Hòa thượng Thích Trí Thoát giảng giải về pháp môn tu Phật và niệm Phật
Quý vị và các bạn thân mến! Hòa thượng Thích Trí Thoát là một nhà sư thông hiểu được những kiến thức uyên thâm về đạo Phật. Thầy đã từng đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới để giảng pháp, nên rất được đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử và đại chúng gần xa yêu mến. Thầy có sắc diện rất phúc hậu và có đức tính Từ Bi của một nhà tu hành. Đặc biệt Thầy có một chất giọng tụng kinh niệm Phật rất hay, rõ ràng, truyền cảm và ấm áp, khiến cho người nghe cảm thấy thư thái, chú tâm vào từng câu kinh tiếng kệ của Thầy. Hòa thượng Thích Trí Thoát được sinh ra tại tỉnh Bình Thuận, nước Việt Nam, nhưng hiện tại Thầy đang làm trụ trì của ngôi chùa Linh Sơn Tự nổi tiếng, tại quốc gia Canada. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về pháp môn Tịnh Độ tụng kinh niệm Phật, thông qua những lời khai thị của Hòa thượng Thích Trí Thoát, trong nội dung bài viết chi tiết sau đây.
Mục Lục
Hòa thượng Thích Trí Thoát chia sẻ lời khuyên trong tu học Phật pháp
Trong mỗi buổi thuyết giảng, Hòa thượng Thích Trí Thoát thường hay đưa ra những lời khuyên với đông đảo chư vị Tăng, Ni, Phật tử về cách học giáo lý Phật pháp. Tu cần phải học, không học thì không biết đường để mà tu, mỗi người tu Phật cần nắm được kiến thức căn bản, ví như một cái bản đồ hướng dẫn cho chúng ta biết rõ được con đường chánh và tà. Nhờ đó, mỗi Phật tử chúng ta sẽ không sợ mình bị đi lạc đường vào trong sanh tử luân hồi. Về việc tu học các Phật tử cần nhớ rõ, tu là phải học, học để bổ sung cho tu, tu mà không học là tu mù, như vậy chúng ta rất khó tìm được sự an lạc và giải thoát. Đó cũng chính là những lời khai thị, gửi tới đông đảo quý Phật tử trong và ngoài nước nắm được, những kiến thức cơ bản nhất trong con đường tu học Phật pháp.
Hòa thượng Thích Trí Thoát giảng về phương pháp tu
Theo Hòa thượng Thích Trí Thoát thì có rất nhiều phương pháp tu, như trong kinh điển Đức Phật ngài nói, có tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, mà phiền não cũng có tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Như vậy, mỗi một cái phiền não sẽ có một pháp môn tu để diệt đi một cái phiền não. Theo quan niệm trong nhà Phật, bệnh nào thuốc nấy, mỗi một bệnh sẽ có một vài phương thuốc để chữa trị lại cái bệnh đó. Vậy nên, mỗi Phật tử chúng ta tu học một pháp môn sẽ diệt trừ được một phiền não, tu được nhiều pháp môn sẽ diệt trừ được nhiều phiền não.
Hòa thượng Thích Trí Thoát nói, có nhiều pháp môn như vậy, chúng ta phải làm thế nào để biết được tám vạn bốn ngàn pháp môn tu đây? Cho nên Đức Phật ngài dạy và được các chư Tổ truyền lại có 3 phương pháp tu chính là: Thiền Tông; Mật Tông và Tịnh Độ Tông. Trong Thiền Tông và Tịnh Độ Tông, hai phương pháp này được đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử ở các nước Á Châu thực hành tu tập như; Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc…..
Đặc biệt về pháp môn Mật Tông, chỉ có Phật giáo nước Tây Tạng là chuyên tu học về Pháp môn Mật Tông. Phật giáo các nước khác cũng có tu học pháp môn này nhưng chỉ được một phần rất nhỏ, Đại Bi Thần Chú, đó chính là kinh chú trong pháp môn Mật Tông. Như vậy tất cả hàng chư tôn đức Tăng, Ni là những người xuất gia, để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của Đức Phật. Hàng chư Tăng, Ni chính là những người trao ngọn đèn đó thắp lên cho tất cả hàng Phật tử chúng ta, để mỗi người đều có được một ngọn đuốc chiếu rọi soi sáng cho mình đi đường thấy rõ ràng trong đêm tối.
Đó chính là ngọn đuốc tâm để chúng ta thắp sáng nó lên, mỗi người có ngọn đuốc tâm soi sáng rồi, chúng ta sẽ biết được đường nào chánh, đường nào tà, đường nào lành và đường nào dữ. Biết đường nào dữ thì chúng ta không nên đi vào, biết đường nào lành thì chúng ta cứ bước tới. Nếu không có ngọn đuốc tâm soi sáng thì chúng ta sẽ không thấy được đường đi, rất dễ bị đi vào con đường u mê tăm tối, đi lạc vào trong sanh tử luân hồi, như vậy sẽ rất là đau khổ. Hàng chư Tăng, Ni chính là những người nhận ngọn đuốc tâm từ nơi Đức Phật, để trao lại cho hàng Phật tử, mỗi người đều dùng ngọn đuốc tâm soi sáng con đường của chúng ta, để tìm thấy sự an lạc và giải thoát.
Tóm lại, để con đường đi được dễ dàng hơn, mỗi Phật tử chúng ta hãy chọn một phương pháp tùy vào khả năng và thích hợp với căn cơ của mình, để chọn ra một pháp môn tu hợp với mình. Đừng chọn lộn pháp môn, như vậy sẽ không có được hiệu quả và rất phí thời gian tu học. Chúng ta đừng để thời gian lãng phí, hãy tu học càng sớm càng tốt, vì thời gian một trăm năm của chúng ta ở cõi ta bà này trôi qua rất nhanh. Nên hiện hữu ngay từ bây giờ, đại chúng nguyện phát Bồ Đề Tâm tiến tu đạo nghiệp, chọn đúng pháp môn tu, chọn đúng đường đi, để không còn sợ bị lạc đường nữa.
Trong ba pháp môn, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông thì chúng ta nên chọn một pháp môn dễ tu nhất, dễ giải thoát nhất và dễ chứng nhất, đó là pháp môn Tịnh Độ niệm Phật A-Di-Đà. Bởi pháp môn Thiền Tông, thì những cụ già 70, 80 tuổi sẽ không còn đủ khả năng và định lực để ngồi Thiền được. Cho nên đại chúng chọn pháp môn niệm Phật A-Di-Đà, để tạo những phước báu cho đến khi buông bỏ báo thân này, chúng ta sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, có Phật A-Di-Đà đấng cha lành đang đón chờ chúng ta.
Tất cả các pháp môn trì chú hoặc ngồi Thiền, được tu học đúng chánh pháp đều đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát, nhưng với hàng Phật tử tại gia sẽ khó tu hơn. Tu học pháp môn niệm Phật, chúng ta có thể đi, đứng, nằm, ngồi, bất kể thời gian lúc nào hay công việc gì, ở đâu, tất cả đều niệm Phật được. Còn về pháp môn Thiền thì không phải hàng căn cơ nào cũng tu học Thiền được, chúng ta có thể đi Thiền, đứng Thiền, ngồi Thiền và nằm Thiền được không? Quý Phật tử chúng ta phải nhìn nhận cho rõ ràng với căn cơ của mình, vì Thiền Tông chỉ dành cho những hàng có căn cơ cao.
Trong nhà Phật có ba căn cơ đó là: Thượng căn thượng trí, Trung căn trung trí và Hạ căn hạ trí, như vậy mình phải nhìn lại xem bản thân mình đang ở căn nào? Mình đang ở căn Thượng, căn Trung, căn Hạ, hay không ở căn nào? Quý Phật tử phải nhìn nhận xem chúng ta đang ở bậc nào, để chúng ta chọn đúng pháp môn ở bậc đó để mình tu tập.
Hòa thượng Thích Trí Thoát giảng về pháp môn niệm Phật
Hòa thượng Thích Trí Thoát chia sẻ cách niệm Phật như thế nào để được nhất tâm, để được bất niệm và hiện niệm? Muốn được niệm Phật nhất tâm chúng ta cần có 5 yếu tố sau đây:
Thứ nhất, là phải có ý chí quyết định cho con đường đi của mình và đừng bao giờ thay đổi con đường mình đã chọn.
Thứ hai, cần phải nhận thức rõ ràng, không có mê lầm, không nên đang tu pháp môn này lại bỏ ngang để sang tu pháp môn khác.
Thứ ba, là phải buông bỏ được tham, sân, si, buông bỏ những chấp trước ở cõi ta bà này. Tiền bạc, vật chất, danh lợi, hay yêu thương, giận hờn, chán ghét quanh ta, đó chỉ là phương tiện mà thôi.
Thứ tư, là phải tùy duyên, quý Phật tử chúng ta nên tùy duyên thích nghi với những phương pháp tụng niệm của mỗi đạo tràng khác nhau, khi chúng ta được mời đến đạo tràng đó tụng niệm. Không nên bắt họ phải tụng theo phương pháp trong đạo tràng của mình, và càng không nên khi thấy phương pháp tu tập của họ khác mình, mà mình lại nghĩ rằng, họ đã tu tập sai.
Thứ năm, là phải có tâm chán cảnh khổ, để rồi chúng ta tha thiết niệm Phật hằng ngày, sẵn sàng san bằng những nghịch cảnh, vượt qua mọi chướng duyên.
Niệm Phật mà như bất niệm, đó là chúng ta niệm Phật trong tâm, niệm thầm không ra tiếng và có thể niệm Phật ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào hoặc bất kỳ mình đang làm công việc gì. Đó chính là phương pháp niệm Phật mà như không niệm.
Niệm Phật nhất tâm là chúng ta chỉ tha thiết niệm Phật hằng ngày mà không có cầu xin hay đòi hỏi điều gì ở nơi Đức Phật cả. Cũng giống như một người muốn trèo lên trên đỉnh núi, nhưng người ấy lại không chịu bước đi thì sẽ không bao giờ người ấy lên được đỉnh núi đó. Vậy nên, hàng Phật tử tại gia chúng ta cứ niệm Phật hằng ngày, nhất thiết cung kính đỉnh lễ Phật, đó chính là những bước đi đưa chúng ta dần dần đến với cảnh giới an lạc và giải thoát.
Các chư Tổ đã chứng đắc Pháp môn Tịnh Độ Tông, có truyền lại câu nói giúp cho quý Tăng, Ni, Phật tử chúng ta ngày nay nắm rõ được căn cơ trong pháp môn niệm Phật này:
Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu.
Bền lâu không khó, khó ở nhất tâm.
Nhất tâm không khó, khó ở quyết tâm.
Ý chư Tổ muốn nói rằng, mỗi người Phật tử phải có ý chí quyết tâm giữ vững lập trường, phát nguyện một lòng nương tựa vào Tam Bảo và chuyên tâm niệm Phật thật bền lâu.