Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Đạo Phật

Tiểu sử cuộc đời và quá trình tu hành rất gian nan của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

5/5 - (11 bình chọn)

Quý vị và các bạn thân mến! Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả, một nhà dịch giả uyên bác thông hiểu sâu rộng về Phật pháp, ngài không chỉ biết nhiều thứ tiếng ngoại ngữ khác nhau mà ngài còn tinh thông về cầm kỳ, thi phú. Thế nhưng trong cuộc đời tu hành của ngài lại gặp phải rất nhiều những biến cố vô cùng khắc nghiệt, khi ngài muốn đấu tranh vì nhân quyền và tự do Tôn giáo cho dân tộc. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu về tiểu sử bản thân, quá trình xuất gia tu hành chi tiết của cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.


Xem Video Trên YouTube 

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Tiểu sử chi tiết về cuộc đời Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, có thế danh là Phạm Văn Thương, ngày sinh của ngài theo giấy khai sinh là ngày 15/2/1943, khi đó cha mẹ của ngài đã khai tăng tuổi để cho ngài được đi học sớm. Năm sinh thật của ngài là ngày 5/4/1945 (Dương lịch), tức ngày 23/2 năm Ất Dậu (Âm lịch). Ngài được sinh ra tại tỉnh Pakse, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Cha của ngài là cụ ông Phạm Văn Phận, có pháp danh là Trung Thảo, Mẹ của ngài là cụ bà Đặng Thị Chín, có pháp danh là Diệu Chánh, đồng nguyên quán tại xã Nghĩa Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, miền Trung nước Việt Nam.

Ngay từ thuở nhỏ ngài đã thường được đi theo mẹ ra chùa làng để lễ Phật, đó cũng là nhân duyên của ngài với cửa Phật, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngài Thích Tuệ Sỹ chỉ thích được ở tại chùa mà không muốn về nhà mình nữa.

Năm 1952, do phải chạy giặc, nên ngài đã được cha mẹ gửi đến chùa Trang Nghiêm, tại làng Tân An, tỉnh Pakse, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Để xin theo hầu vị Hòa thượng trụ trì và khai sơn lên ngôi cổ tự này.

Năm 1954, khi lên 9 tuổi, ngài Thích Tuệ Sỹ chính thức được thế phát xuất gia tại chùa Trang Nghiêm. Đến năm ngài 12 tuổi, vị Hòa thượng Bổn Sư nhận thấy khả năng và thiên tư đặc biệt của ngài Thích Tuệ Sỹ, nên đã khuyên gia đình đón ngài về Việt Nam để rộng đường tu học.

Năm 1960, ngài Thích Tuệ Sỹ trở về Việt Nam, và đến tu học tại chùa Bồ Đề, đó là một ngôi chùa nhỏ, tọa lạc gần cầu Gia Hội, thành phố Huế. Hành trang duy nhất của ngài Thích Tuệ Sỹ luôn giữ bên mình lúc đó, là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Hán Tự.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Đến năm 1968, do biến cố Tết năm Mậu thân, ngài Thích Tuệ Sỹ bị thất lạc ở chùa Từ Đàm, thành phố Huế. Hòa thượng Thích Trí Quang, một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo, trong những năm của thập niên 1960, là chú ruột của ngài lúc ấy cũng đang tu hành tại Huế.

Tuy vậy, nhưng với bản tính độc lập vốn có, ngài Thích Tuệ Sỹ đã một mình giong ruổi qua rất nhiều địa phương như: Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Tiền Giang và một số tỉnh ở miền Nam, ngài tự lập và sống nương nhờ tại các tự viện.

Năm 1961, khi này ngài đã 16 tuổi, ngài Thích Tuệ Sỹ được thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn. Cùng năm đó, ngài Thích Tuệ Sỹ cùng với ngài Thích Trí Minh, thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, ngài Thích Tuệ Sỹ được Hòa thượng Thích Trí Thủ nhận về Thiền Viện Quảng Hương Già-lam, tại Gò Vấp, Sài Gòn.

Năm 1964, ngài Thích Tuệ Sỹ tốt nghiệp Viện Cao Ðẳng Phật Học Sài Gòn. Ngài học niên khóa năm 1965, tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học. Với các bài viết rất xuất sắc về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận. Vì thế, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã phát hiện ra ngài là một tu sĩ trẻ tài năng xuất chúng, nên đã giới thiệu ngài Thích Tuệ Sỹ vào Viện Đại Học Vạn Hạnh. Lúc đó, phó Viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh là Hòa thượng Thích Mãn Giác, đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho ngài, nhưng ngài Thích Tuệ Sỹ đã xin phép được từ chối.

Những tác phẩm vô giá được lưu lại cho hậu thế của Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 1970, ngài Thích Tuệ Sỹ được đặc cách bổ nhiệm chức danh Giáo sư thực thụ của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, nhờ những công trình nghiên cứu về Phật học và những khảo luận Triết học rất có giá trị cao như: Ðại cương về Thiền Quán, do Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa Ấn Quán in năm 1967, Triết Học về Tánh Không, ( do Nhà xuất bản An Tiêm Ấn bản, tại Sài gòn năm 1970)…

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Từ năm 1972 đến năm 1973, ngài Thích Tuệ Sỹ kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học, tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Ngài Thích Tuệ Sỹ tinh thông chữ Hán và biết nhiều tiếng ngoại ngữ khác như: Anh, Pháp, Nhật, Lào, Thái, Tây Tạng, ngài còn thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Tiếng Ðức ngài Thích Tuệ Sỹ cũng đọc thành thạo, ngài nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Ngài dịch sang bản Việt ngữ tập 2 và 3, cuốn Thiền Luận nổi tiếng của Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki, sau đó được in và tái bản rất nhiều lần từ năm 1972 đến năm 1975.

Năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Thủ, thấy ngài Thích Tuệ Sỹ cứ mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đốc thúc ngài chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo. Cùng năm 1973, tại Đại giới đàn Phước Huệ, ngài Thích Tuệ Sỹ đã chính thức được thọ giới Cụ túc, tại Phật Học Viện Trung Phần, Nha Trang, do Đàn đầu là Hòa thượng Thích Phúc Hộ, Hòa thượng Yết-ma Thích Giác Tánh, Giáo thọ sư Hòa thượng Thích Trí Nghiêm và Hòa thượng Thích Huệ Hưng.

Ngài Thích Tuệ Sỹ không chỉ uyên bác về Phật giáo Nguyên thủy và Ðại thừa, mà ngài còn tinh thông triết học Tây phương và cầm kỳ, thi phú. Ngài Thích Tuệ Sỹ  nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng Trung Hoa như: Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, ngài Thích Tuệ Sỹ đã viết nên tác phẩm để đời đầy thi vị đó là: Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Về âm nhạc, ngài Thích Tuệ Sỹ thông thạo rất nhiều các loại nhạc cụ như: Đàn Guitar, Violon, Piano, Sáo trúc. Ngài thông hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. Ngài Thích Tuệ Sỹ còn làm rất nhiều thơ và viết một số truyện ngắn, các tiểu luận triết học và phê bình văn học đặc sắc, phần lớn các tác phẩm của ngài được đăng trên các tạp chí Khởi Hành, từ năm 1969 đến năm 1972, và Thời Tập từ năm 1973 đến năm 1975, tại Sài Gòn.

Đồng thời, ngài Thích Tuệ Sỹ cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng, của Viện Ðại học Vạn Hạnh. Tập thơ đặc sắc được ngài viết bằng chữ Hán có tên là, Ngục trung mị ngữ, được ngài Thích Tuệ Sỹ viết trong tù sau năm 1975, và các tập thơ khác như: Giấc mơ Trường sơn, Thiên lý độc hành, Những điệp khúc cho dương cầm, sau này đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và được phát hành rộng rãi tại hải ngoại.

Từ trẻ ngài Thích Tuệ Sỹ đã thuộc làu làu các bộ Kinh như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Thắng Man, Kinh Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết, là một bộ kinh nêu cao tinh thần, sống trong đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, đó là tư tưởng Bồ-tát đạo trong bộ kinh này và bộ kinh Pháp Hoa, đã có ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của ngài Thích Tuệ Sỹ. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, ngài Thích Tuệ Sỹ đã viết giảng luận, Huyền thoại Duy-ma-cật, và đi theo hình mẫu lý tưởng này. Ngài Thích Tuệ Sỹ đã không ngại dấn thân phụng sự, ngài đã trở thành một biểu tượng cao quý của sự đấu tranh ôn hòa, cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 1973, ngài Thích Tuệ Sỹ làm Giám học Phật học viện Trung phần, Nha Trang, tức Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975, ngài Thích Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang. Sau biến cố lịch sử 30/4/1975, cơ sở này đã bị đóng cửa, ngài Thích Tuệ Sỹ về ẩn tu tại một ngôi chùa ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang khoảng chừng 60 km.

Ðến năm 1977, ngài Thích Tuệ Sỹ vào Sài Gòn và đến chùa Tập Thành, tại quận Bình Thạnh, để lánh nạn.

Những biến cố khắc nghiệt nhất cuộc đời của Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ đã bị các nhà cầm quyền lúc bấy giờ, bắt giam ngài 3 năm không xét xử, vì tội cư trú bất hợp pháp, đến cuối năm 1980 thì ngài được phóng thích.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 1982, do hoàn cảnh mấy năm ngài phải nay đây mai đó và ở trong tù, nên ngài Thích Tuệ Sỹ nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng, có thể không được thanh tịnh, cho nên ngài được thọ lại Đại giới Cụ túc, tại Đại giới đàn Quảng Hương Già-lam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm đàn đầu, Hòa thượng Thích Trí Quang làm tôn chứng, và Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Từ năm 1980 đến 1984, ngài Thích Tuệ Sỹ làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Đến tháng 4/1984, ngài Thích Tuệ Sỹ lại bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 Tăng ni, cư sĩ Phật tử khác. Phiên tòa đã xét xử kéo dài rất nhiều ngày, đến cuối tháng 9/1988, ngài không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ, mà ngài Thích Tuệ Sỹ cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát tự biện hộ cho mình. Cuối cùng, nhà cầm quyền đã kết án Tử Hình cho ngài và Trí Siêu, vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Do sự tranh đấu tích cực của các tu sĩ trong và ngoài nước, cùng với sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, nên Hà Nội đã phải vội vã giảm án của hai ngài xuống còn 20 năm khổ sai, và đem giam ngài Thích Tuệ Sỹ tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển giam riêng ngài ra trại A-20, tỉnh Phú Yên. Đến tháng 10/1994, với sự phản kháng quyết liệt trong tù, ngài Thích Tuệ Sỹ đã bị nhà cầm quyền tách đưa ra trại giam Ba sao, ngoài miền Bắc.

Ngày 3/8/1998, ngài Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ chức Human Rights Watch, trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền, cùng với 7 nhà đấu tranh khác.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 1998, Hà Nội đã trả tự do cho ngài Thích Tuệ Sỹ, cùng với một số người khác. Trước đó, ngài đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền gây áp lực buộc ngài phải ký vào lá đơn xin khoan hồng, để gửi lên Chủ tịch nước. Ngài Thích Tuệ Sỹ đã trả lời với nội dung như sau: Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá cho chúng tôi?

Công an lại thuyết phục: Thầy không viết đơn thì chúng tôi không có lý do để trả tự do cho thầy được. Ngài Thích Tuệ Sỹ đã khẳng khái đáp: Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ gây áp lực buộc chúng tôi phải ký đơn, thì tôi sẽ tuyệt thực phản đối. Sau đó, vào ngày 1/9/1998, Hà Nội đã phải trả tự do cho ngài Thích Tuệ Sỹ, sau 14 ngày ngài tuyệt thực không ăn không uống. Ngài Thích Tuệ Sỹ một mình tuyệt thực, không có tổ chức nên bên ngoài không ai biết. Thấy sức khoẻ ngài suy sụp nhanh chóng, nên chính quyền đã vội vã đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa ngài ra khỏi trại giam.

Đúng lúc 10 giờ 45 phút, ngày 2/9/1998, ngài Thích Tuệ Sỹ được đưa lên tàu hỏa về Nam. Ngài ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên tàu với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù. Sau đó, sức khỏe của ngài không ổn nên được đưa xuống ga Nha Trang, rồi về ở tạm tại Phật học viện Hải Ðức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh cho ngài Thích Tuệ Sỹ, bắt buộc phải về chùa Già Lam ở Sài-gòn, không được phép ở lại Nha Trang. Ngài Thích Tuệ Sỹ thẳng thắn từ chối, rồi viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, trong thư ngài viết, một là tôi được tự do ở đâu tôi muốn, hai là cho tôi vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi cái nhà tù nhỏ, rồi lại muốn nhốt tôi vào cái nhà tù lớn hơn là cả đất nước này. Tin này, đã ngay lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, ngài Thích Tuệ Sỹ đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù và ba lần bị quản thúc, nếm trải vô số khắc nghiệt tại các nhà tù khắp ba miền bắc trung nam. Tuy nhiên, những điều đó vẫn không thể thay đổi được một con người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mà mình đã lựa chọn, và ngài vẫn giữ được tấm lòng thanh thản bao dung, mà không hề có một chút oán hận.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Tháng 4/1999, khi này Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã đề cử ngài Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 2002, với trách nhiệm là Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, ngài Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài là người đóng góp công sức rất nhiều cùng với hai vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, trong công cuộc đấu tranh đòi quyền tự do Tôn giáo tại Việt Nam và quyền phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Những lời tuyên bố của một người tù nhưng có lương tâm Tôn giáo của ngài Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường của ngài ở trong trại giam, đó là một tấm gương sáng chói, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc Việt Nam. Lập trường của chúng tôi chính là lập trường của Phật giáo, chính là lập trường của toàn khối dân tộc. Ðối với ngài Thích Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà chính là Văn hóa và Xã hội, trong đó nền Giáo dục sẽ có vai trò rất quan trọng. Nhưng trong công cuộc Giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra. Không phải chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo nên những thế hệ Tăng ni tài đức để phụng sự xã hội, như vậy mới xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, ngài Thích Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam, ngài đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra ngoài Hà Nội chữa bệnh và gặp Thủ tướng đương thời đó là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ sau năm 1975, cũng như việc cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân ngài cùng với ngài Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, có đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội, đã chủ động tìm gặp ngài Thích Tuệ Sỹ, mời ngài đến thăm, cũng như làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón ngài Thích Tuệ Sỹ đi một mình, không có thị giả và không có người phiên dịch.

Ngày 1/10/2003, ngài Thích Tuệ Sỹ đã cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, tổ chức Đại hội bất thường Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, ngài Thích Tuệ Sỹ cùng hai vị Hòa thượng và một số Tăng ni tham dự Đại hội, đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi và giám sát rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, với tinh thần uy vũ bất năng khuất, ngài Thích Tuệ Sỹ luôn sát cánh cùng Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, đã ủy thác cho các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại. Cùng năm 2003, đã tổ chức Đại hội bất thường Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Chính tại Đại hội này, Giáo hội đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội ở trong nước và hải ngoại, toàn thể Tăng ni, Phật tử trong Giáo hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị, Đệ tứ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 2008, Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Hòa thượng Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ đây, ngài Thích Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này ngài đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 3/2019, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, biết sức khỏe bản thân không còn nhiều, nên đã mời ngài Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và chuyển giao ấn tín của Viện Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ủy nhiệm cho ngài Thích Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch.

Đến tháng 2/2020, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thuận thế vô thường, ngài an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, ngài Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh bên nước Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid nên không thể về nước.

Tháng 10/2020, ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, ngài Thích Tuệ Sỹ là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên ngài nên ở lại để chữa trị bệnh, nhưng ngài vẫn nhất quyết về nước.

Tâm nguyện thành tựu những năm cuối đời của Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại tại Việt Nam, mà nặng nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên ngài Thích Tuệ Sỹ vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi với những cơn bạo bệnh. Ngài hằng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, ngài tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, đã được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Tháng 11/2021, ngài Thích Tuệ Sỹ chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời. Để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng, do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã thành lập từ năm 1973, nhưng sau đó bị dừng hoạt động do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 3/12/2021, Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời đã chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Sau đó, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn đều được đẩy mạnh, tất cả đều theo quy củ đã ấn định.

Trong năm 2022, 29 tập Đại Tạng Kinh đầu tiên được khởi in, với công đức dự phần của các bậc Tôn túc Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh Việt Nam chính thức được tiếp nối.

Ngày 21/8/2023, tại chùa Phật Ân, tọa lạc tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã suy cử ngài Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm chức vụ, Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Tiếp sang ngày 22/8/2023, tại chùa Từ Hiếu, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội đã cử hành lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho ngài Thích Tuệ Sỹ.

Sau đó, ngài Thích Tuệ Sỹ đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối.

Những ngày cuối đời, từ nơi giường bệnh, ngài Thích Tuệ Sỹ đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò và giao phó những việc cần làm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng. Sau đó, ngài Thích Tuệ Sỹ đã thuận thế vô thường viên tịch tại chùa Phật Ân, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nước Việt Nam, vào lúc 16 giờ, ngày 24/11/2023 (Dương lịch), tức ngày 12/10 năm Quý Mão, ngài trụ tại thế 79 năm, hạ lạp 46 năm.

Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Sự ra đi của ngài Thích Tuệ Sỹ không chỉ là mất mát lớn lao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để lại niềm thương tiếc cho hàng vạn chư Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, luôn tưởng nhớ đến một vị chân tu anh tài tinh hoa của Dân tộc.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *