Tín Ngưỡng Thờ Mẫu

Tiểu sử đền Bà Đế Đồ Sơn Hải Phòng có từ năm nào và thờ vị Thánh nào?

Đánh giá bài viết

Quý vị và các bạn thân mến! Đền Bà Đế được xây dựng tại chân núi Độc, Vũng Ngọc – Đồ Sơn, trấn Hải Dương xưa, nay thuộc phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đền Bà Đế có địa thế tọa sơn hướng thủy rất đẹp, lưng đền tựa vào vách núi, mặt hướng ra biển mênh mông rộng lớn. Tạo nên một điểm nhấn phong thủy tâm linh tại đền Bà Đế, càng thêm linh thiêng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về vị Thánh được thờ chính tại đền Bà Đế là ai, quá trình xây dựng đền, và lễ hội đền vào ngày nào? Thông qua nội dung bài viết chi tiết sau đây.


Xem Video Trên YouTube

Tượng Bà Đế Trong Khám Thờ
Tượng Bà Đế Trong Khám Thờ

Vị Thánh được thờ chính tại đền Bà Đế là ai?

Từ xa xưa, đền Bà Đế đã luôn thu hút du khách bản địa, cũng như du khách ở các tỉnh lân cận bởi sự linh thiêng của ngôi đền này. Sự tích về ngôi đền Bà Đế được bắt nguồn từ một câu chuyện hoàn toàn có thật của một nàng thôn nữ kiều diễm đoan trang, nhưng lại gặp phải một hoàn cảnh éo le đầy đau thương và oan khuất.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Chuyện kể rằng, tại Vũng Ngọc – Đồ Sơn vào năm 1718, có hai vợ chồng họ Đào hiếm muộn, đã lấy nhau được 20 năm mà không có con. Hai ông bà tần tảo chịu khó làm ăn, hàng ngày tu tâm tích đức và luôn cầu Trời Phật phù hộ sớm ban cho hai vợ chồng một mụn con để có người nhờ cậy lúc tuổi về già. Tấm lòng cầu xin của hai ông bà đã cảm động đến Trời Phật, nên một thời gian sau người vợ đã mang thai, đến khi đủ chín tháng mười ngày thì bà hạ sinh được một em bé gái.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Có điều kỳ lạ là, khi em bé vừa sinh ra thì cả người đã có mùi hương thơm ngát, nên ông bà đã đặt tên cho con gái của mình tên là Đào Thị Hương. Khi tới tuổi trưởng thành, Nàng Hương nổi tiếng khắp vùng về nhan sắc rất xinh đẹp khéo tay và siêng năng trong mọi công việc. Đặc biệt là Nàng Hương có giọng hát rất hay, hàng ngày Nàng ra Vũng Ngọc chăn trâu cắt cỏ, tay cầm liềm còn miệng Nàng hát rằng.

Tay cầm bán nguyệt xênh xang.

Bao nhiêu thảo mộc lai hàng tay ta.

Tiếng hát của Nàng Hương ngân vang cả núi rừng, mỗi lần giọng hát của Nàng cất lên là chim muông cũng ngừng hót, sóng biển cũng ngừng vỗ và đất trời cũng tĩnh lặng để thắm đượm thưởng thức hết tiếng hát của Nàng. Giọng hát của Nàng Hương cứ thế hòa quyện vào đất trời, biển, núi nơi đây, khiến ngư dân trong vùng mỗi khi nghe Nàng hát là quên đi bao nhọc nhằn vất vả.

Vào năm 1740, khi Chúa Trịnh Doanh về trấn Hải Dương kinh lý và ghé qua thăm Vũng Ngọc – Đồ Sơn. Chúa Trịnh cùng đoàn quân tùy tùng dạo cảnh bằng thuyền rồng trên biển ngay gần núi Độc, nghe thấy tiếng hát của Nàng Hương, Chúa Trịnh Doanh như bị hút mất hồn nên đã sai quân lính đi tìm người đang hát kia. Khi tìm gặp mặt được Nàng Hương, Chúa Trịnh Doanh càng thêm bất ngờ trước vẻ xinh đẹp, nhan sắc diễm kiều của Nàng. Chúa Trịnh Doanh đã đem lòng yêu thương, quyến luyến bên Nàng suốt cả tháng trời không muốn rời xa.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Khi thời gian kinh lý đã hết, Chúa Trịnh Doanh bắt buộc phải hồi Kinh Đô, Chúa có hẹn Nàng hãy chờ đợi ít ngày rồi Chúa sẽ đem thuyền hoa tới rước Nàng về Kinh. Thật trớ trêu, trong khi Chúa Trịnh vừa về Kinh thì Nàng Hương lại mang thai giọt máu của Chúa, Nàng rất lo sợ, nếu Cha Mẹ và xóm làng biết chuyện thì phải làm sao? Đêm ngày Nàng mong ngóng tin Chúa, Chúa sẽ giữ đúng lời hứa đem thuyền hoa tới rước mình. Thế rồi chuyện gì đến ắt phải đến, Hàng Tổng biết chuyện Nàng không chồng mà có thai, nên bắt phạt vạ đòi ăn khoán. Vì gia cảnh nghèo khó không có tiền nộp phạt, nên dòng họ Đào đã trói và đem Nàng dìm xuống biển tại khu vực núi Độc – Đồ Sơn.

Biết mình sẽ phải chết trước sự oan ức mà không thể nói ra, Nàng đã ngửa mặt lên trời mà than khóc rằng. Phận gái thân cô, gặp Chúa thương yêu con đâu dám chống, nghĩa Cha Mẹ họ hàng con đâu dám quên. Cúi xin trời Phật chứng giám cho lòng con, nếu con bị oan, khi con bị dìm xuống biển, trời Phật hãy cho con nổi lên ba lần. Nếu đúng như vậy thì họ hàng hãy cho con được sống, nếu con có một lời dối trá thì thân này sẽ chìm xuống biển để làm gương cho hậu nhân. Quả nhiên là Nàng đã nổi lên ba lần, họ hàng mọi người được chứng kiến tận mắt ai nấy đều kinh sợ. Sau đó có một người họ Hoàng Đình, vì hám tiền của lũ cường hào, ác bá, nên đã lấy cối đá thủng và dây thừng buộc vào bụng Nàng, quấn vào cây sào rồi cắm xuống biển. Chao ôi! Nàng Hương đã ra đi trong oan ức như vậy.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Khi họ hàng, người dân và Hàng Tổng ra về, cũng là lúc mặt biển nổi sóng to gió lớn, dâng nước lên vỗ vào chân núi Độc, rồi tự nhiên lộ ra một cái hang rất to, cối đá, dây thừng và cây sào buộc Nàng đã trôi vào miệng hang. Từ đó, cứ đêm đêm trên bãi đá, hồn Nàng lại hiển linh về trừng trị những kẻ cường hào, ác bá, luôn gây ra tội ác với những người dân lành lương thiện. Thấy được sự linh thiêng của Nàng nên người dân đã lập Miếu thờ ngay tại cửa hang nơi có dây thừng và cối đá thủng được sóng đánh dạt vào. Hàng năm họ Đào phải nhuộm lại dây thừng một lần, vì Nàng có một lời nguyền là;

Khi nào dây mục đá tan.

Thù kia mới hết, oan này mới nguôi.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Đền Bà Đế được xây dựng vào năn nào?

Năm 1740, khi Chúa Trịnh Doanh rời xa nàng Hương để hồi Kinh Đô, khoảng hơn  một tháng sau, Chúa đã giữ đúng lời hứa, đem thuyền hoa để rước Nàng về Kinh. Lúc này, nỗi oan ức của Nàng Hương càng tăng gấp bội,  Song Thân của Nàng vì quá thương con nên cũng đã uất ức rồi mất theo. Sau khi Chúa Trịnh biết rõ sự tình về nỗi oan khuất của Nàng Hương, Chúa Trịnh đã bắt và xử tử hết những kẻ đã khiến cho Nàng cùng giọt máu của Chúa phải hàm oan mà chết.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Chúa Trịnh Doanh đã truyền cho Hàng Tổng cùng các Quan Lại và nhân dân trong vùng, xây dựng đền tại chân núi Độc, để lập đàn giải oan cho hai mẹ con Nàng Hương. Từ đó, vùng trời đông của nước Đại Việt, nhân dân luôn được sống trong cảnh an bình, hạnh phúc, sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi luôn được thuận buồm xuôi gió dưới sự chở che, phù hộ của Nàng Hương tại đền Bà Đế.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Trong một lần về thăm viếng đền, vua Tự Đức đã ban sắc phong tặng Nàng Hương là: Đông Nhạc Đế Bà – Trịnh Chúa Phu Nhân.
Đền Bà Đế chính thức được mang tên từ đó cho tới ngày nay. Nhiều thi sĩ và doanh nhân sau này có dịp đi qua Vũng Ngọc – Đồ Sơn, ghé vào dâng hương thăm viếng đền Bà Đế, có để lại bút tích để ca ngợi tấm lòng thủy chung, son sắt của Bà:

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Nhất phiến băng tâm Thiên Địa bạch.

Kính thành nhĩ tự quỷ thần tri.

Đế Bà hương hỏa thiên thu tại.

Trịnh Chúa xe loan kiệu tích truyền.

Tạm dịch:

Lòng sạch như băng Trời Đất biết.

Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay.

Đế Bà hương lửa nghìn thu ấy.

Trịnh Chúa xa loan chuyện để đời.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Trải qua bao thời gian thăng trầm của lịch sử, đền Bà Đế một di tích cổ đã bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Bà Lưu Quế Hoa là thủ nhang, đã làm đơn xin phép các cấp có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ cấp phép cho thủ nhang được tôn tạo và nâng cấp. Song bằng tấm lòng vàng hảo tâm công đức của du khách thập phương, sự quan tâm của chính quyền sở tại, đặc biệt là sự đóng góp công sức, tài chính của gia đình bà thủ nhang Lưu Quế Hoa. Đền Bà Đế đã được tôn tạo khang trang, tố hảo, bề thế hơn. Từ năm 2013 đến năm 2015, bà Lưu Quế Hoa lại tiếp tục xin cấp phép nâng cấp và xây mới 10 hạng mục:

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng
  1. – Xây cổng Tam Quan ở phía Đông đền.
  2. – Xây kè chắn sóng ở phía Đông đền.
  3. – Xây lầu Quan Âm ở phía Đông đền.
  4. – Xây đắp phù điêu tượng trưng chiếc thuyền rồng ở phía Đông đền.
  5. – Xây nhà thờ Phật khang trang hơn.
  6. – Xây nhà thờ Mẫu khang trang hơn.
  7. – Xây và nâng cấp đền Bà Đế khang trang hơn.
  8. – Xây cấp bậc lên xuống cửa biển đông.
  9. – Tôn tạo giữ gìn một cái hang trong đền Bà Đế.
  10. – Lát gạch toàn bộ sân trên Đền dưới biển chu viên hoàn hảo.

Lễ hội đền Bà Đế được mở vào ngày tháng nào trong năm?

Hằng năm, cứ sau dịp tết Nguyên Đán là người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận trong khắp cả nước, lại tấp nập kéo về đền Bà Đế để cầu bình an, cầu công danh, xin tài, xin lộc, có người thì về lễ giải oan mà mình và gia đình đang phải gánh chịu. Khách về đền lễ rất đông, không phải chỉ là vào mùa xuân, mà cả năm du khách thập phương về đền kính lễ dâng hương rất đông vui nhộn nhịp.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Đền Bà Đế hằng năm khai xuân vào ngày 16 tháng giêng và kéo dài đến hết ngày 26 tháng 2 âm lịch. Thủ nhang Lưu Quế Hoa xin trân trọng kính mời tất cả các quý khách thập phương, các quý Thanh Đồng Đạo Quan xa gần về đền dâng hương cung kính lên cửa Đế Bà, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đó chính là chúng ta đang chung tay giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa tâm linh của đất nước Việt Nam.

Đền Bà Đế - Đồ Sơn - Hải Phòng
Đền Bà Đế – Đồ Sơn – Hải Phòng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *