Di Tích Tâm Linh Nổi Tiếng

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh

5/5 - (3 bình chọn)

Quý vị và các bạn thân mến! Đại danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh đã được mệnh danh là một vị Thánh Tổ của nghề thuốc Nam, Việt Nam. Ngài Tuệ Tĩnh đã để lại nhiều đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền của nước Đại Việt. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ biết đến Ngài là một vị Thần Y, một Đại danh Y nổi tiếng, chứ ít người hiểu rõ về thân thế cuộc đời, cũng như những công trình y học cho đến các bài thuốc nổi tiếng của Ngài. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử và cuộc đời sự nghiệp của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.


Xem Video Trên YouTube 

Chân dung tượng thờ Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh

Tiểu sử Đại danh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh là ai?

Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh có tên thế danh là Nguyễn Bá Tĩnh, Ngài sinh vào năm 1330, tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, Hải Đông Lộ, nước Đại Việt, (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nước Việt Nam). Ngài xuất thân trong một gia đình bần nông và mồ côi Cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Năm Ngài lên 6 tuổi, được người thân gửi vào chùa Giám, chùa có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Thái Bình, thuộc làng An Trang, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, Hải Đông Lộ.

Chùa Giám – Hải Dương – Kiến Trúc Từ Thế Kỷ 17

Chùa Giám được xây dựng vào thời nhà Lý, khoảng cuối thế kỷ 11. Tại đây, Ngài Tuệ Tĩnh đã được Sư Thầy Hải Triều nuôi dưỡng và cho đi học. Sau một thời gian Ngài được quy y Tam Bảo với tên pháp danh là Tuệ Tĩnh, pháp tự là Linh Đàm, pháp hiệu là Tráng Tử Vô Dật.

 

Đến năm Tân Mão 1351, khi này Ngài Tuệ Tĩnh đã 22 tuổi, sống dưới Triều đại Vua Trần Dụ Tông, Ngài thi đỗ Đệ Tam Giáp ( Thái học sinh ), nhưng nhất quyết không tham ra chốn quan trường. Ngài quay lại chùa Giám để tiếp tục con đường tu hành của mình.

Chùa Giám – Hải Dương – Kiến Trúc Từ Thế Kỷ 17

Đến năm Ất Mão 1375, Ngài Tuệ Tĩnh tiếp tục thi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng Giáp), nhưng Ngài vẫn cương quyết từ quan để chuyên tâm tu hành và tiếp tục nghiên cứu Y học cổ truyền, hằng ngày bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Thiền Sư Tuệ Tĩnh là một vị Đại danh Y tài giỏi và nổi tiếng với những kiến thức Y dược uyên bác. Cũng chính vì Ngài thông hiểu về Y thuật, cho nên vào năm 1384, khi này Ngài Tuệ Tĩnh đã 55 tuổi, thân làm bề tôi nên Ngài vâng lệnh Vua Trần Phế Đế đi sứ sang nước Đại Minh, để chữa bệnh cho Vua và Hoàng Hậu nhà Minh. Nhờ vào kiến thức Y dược uyên thâm, chỉ trong một thời gian ngắn Ngài đã chữa khỏi bệnh cho Vua và Hoàng Hậu nhà Minh nên được sắc phong là Đại Y Thiền sư. Kể từ đó, Ngài Tuệ Tĩnh không còn cơ hội quay về quê hương dù chỉ một lần, thế nhưng Thiền Sư Tuệ Tĩnh vẫn dồn toàn tâm sức để nghiên cứu Y học và làm thuốc chữa bệnh cứu dân độ thế. Sau này, người dân nước Đại Việt chỉ biết Ngài Tuệ Tĩnh qua đời vào năm 1400, tại Giang Nam, nước Đại Minh, (tức Trung Quốc ngày nay), chứ không biết là Ngài mất chính xác vào ngày tháng nào.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Tư tưởng và quan điểm về Y học của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh

Đối với Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh, Ngài không chỉ học Y, hành Y để chữa bệnh cứu người mà Ngài còn biên soạn Y thư để lưu truyền những bài Nam Dược quý cho hậu nhân Đại Việt. Ngài còn dạy cho nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh, cách chăm sóc sức khỏe và cách phòng tránh bệnh tật. Có thể nói đây là một tư tưởng cực kỳ tiến bộ của nền Y học lúc bấy giờ. Tận dụng thảo dược sẵn có từ thiên nhiên, toàn dân chủ động phòng bệnh sẽ phát huy hiệu quả và tạo ra một sức mạnh phi thường. Đó là kinh nghiệm đã được Ngài chắt lọc trong những năm hành Y cứu thế, lưu lại cho hậu thế một kho tàng kiến thức rộng lớn về Y dược.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Trong cuộc đời hành nghề Y của Ngài Thiền Sư Tuệ Tĩnh, luôn gắn liền với câu nói nổi tiếng đó là, “Nam dược trị nam nhân”, ý Ngài muốn nói rằng, dùng cây thuốc Nam để chữa bệnh cho người nước Nam. Theo đó, Ngài Tuệ Tĩnh phân tính rõ biện chứng tổng quát về dược lý từ 630 vị thuốc, chủ yếu là hướng điều trị để chữa các bệnh như: ngoại cảm lục dâm, trúng độc, uất khí, hỏa tích, đờm, lao lực…

 

Bên cạnh đó, Ngài cũng phân tính thêm, Đại Việt là một quốc gia nằm trong khu vực  khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thất thường. Chính vì vậy, mà người dân thường mắc các chứng bệnh thiên về nhiệt, đờm hỏa hoặc khí hư yếu nên cần dùng những bài thuốc Đông y, để điều trị chứng bệnh tả hỏa, hóa đàm, thanh nhiệt,…

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Quan điểm hành nghề và nguyên tắc điều trị của Ngài Tuệ Tĩnh, không chỉ xuất phát từ lý tính mà Ngài còn kết hợp giữa y đức với lòng yêu nước thương dân. Ngài luôn lo lắng và thương khắp chúng dân, khi có ai đó không may phải chết vì bệnh tật. Do vậy, Ngài luôn cố gắng, ngày đêm nghiên cứu và kiếm tìm những cây thuốc có sẵn trong dân gian để kết hợp đưa vào chữa bệnh. Ngoài ra, Ngài còn dùng thêm phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt với chủ trương: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Đến nay đã gần 700 năm trôi qua, nhưng những phương pháp và châm ngôn hành nghề Y của Ngài Thiền Sư Tuệ Tĩnh vẫn được hậu thế lưu truyền, áp dụng thành công. Thậm chí những phương pháp đó đã trở thành một kim chỉ nam, dành cho những vị danh Y đã tiếp nối thế hệ của Ngài, điển hình nhất đó là Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Những thành tựu trong cuộc đời của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh

Trong những năm Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh sinh sống ở trong nước, Ngài dốc toàn tâm, toàn lực vào công việc nhân trồng cây thuốc, sưu tầm những phương pháp chữa bệnh trong dân gian và truyền nghề cho các Tăng đồ, học trò khắp nơi. Bên cạnh đó, Ngài vẫn dành thời gian để biên soạn Y thư lưu giữ lại cho hậu thế những bí quyết, bài thuốc trị bệnh quý báu. Trong đó nổi tiếng là bộ Y thư, Nam Dược Thần Hiệu được Ngài chia ra thành 10 chương chính.

Đặc biệt là bộ sách, Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư , gồm có 2 quyển được Ngài biên soạn bằng quốc âm với bản thảo 500 vị thuốc nam được viết thể thơ Nôm Đường Luật, cùng bài Phú thuốc Nam 630 vị thuốc cũng được viết bằng chữ Nôm. Một số bộ Y thư quý khác như, Dược Tính Chỉ Nam và Thập Tam Phương Gia Giảm…tất cả đều được Ngài biên soạn bằng chữ Nôm. Thơ văn Nôm ở thời nhà Trần rất hiếm, điều đó cho thấy Ngài Tuệ Tĩnh không chỉ là một Đại danh Y, mà còn là một Đại Thi Hào về thơ Nôm của lịch sử nước nhà. Hiện tại, những cuốn Y thư này không còn được nguyên vẹn, vì đã gần 700 năm nước ta trải qua rất nhiều biến cố, bởi nhiều lần bị giặc ngoại xâm, cho nên rất nhiều tịch thư cổ quý giá của Việt Nam đã bị họ phá hủy.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Do đó, năm 1972 nhà xuất bản Y học đã tiến hành in ấn và phát hành bộ sách, Nam Dược Thần Hiệu gồm 11 cuốn, quyển thứ nhất nói về dược tính của 119 vị thuốc nam, 10 quyển còn lại mỗi quyển diễn giải về một khoa điều trị bệnh khác nhau. Còn cuốn sách, Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh cũng được in ấn vào năm 1978, dày gần 400 trang, gồm có 9 phần.

Đặc biệt, Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh còn tự mình sáng kiến những phương pháp, cơ sở điều trị bệnh trong các thôn xóm và Tự viện. Theo như một số tài liệu cho biết, trong hơn 30 năm hành nghề Y chữa bệnh cứu thế ở trong nước, Ngài đã xây dựng được 24 ngôi chùa để làm cơ sở khám chữa bệnh. Ngài tổng hợp được 182 chứng bệnh với 3873 bài thuốc. Đồng thời, Ngài Tuệ Tĩnh cũng luôn nhắc nhở mọi người rèn luyện cơ thể, xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ để phòng bệnh qua 2 câu thơ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Có thể nói, Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu về các bài thuốc Nam, là người xây dựng nền móng cho ngành Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những bài thuốc và kinh nghiệm quý báu của Thiền Sư, đã cứu sống hàng trăm, hàng vạn nghìn người thoát khỏi nỗi sợ bệnh tật. Đặc biệt, với những tài liệu, Y thư do Ngài để lại tạo cơ hội cho hậu thế kế thừa và phát huy những tinh hoa trong giá trị cổ, đưa nền y học Việt Nam phát triển bền vững hơn

Nơi thờ chính của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh là ở đâu?

Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh hiện tại có 3 nơi thời chính gồm các địa danh di tích sau. Thứ nhất là đền Xưa được xây dựng vào thế kỷ 17, là nơi Ngài Tuệ Tĩnh được sinh ra, tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, Hải Đông Lộ, (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Đền Xưa – Nghĩa Phú – Cẩm Vũ – Cẩm Giàng – HD

Thứ hai là chùa Giám, nơi tu hành chữa bệnh cứu thế của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Chùa có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Thái Bình tại làng An Trang, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, Hải Đông Lộ. Chùa Giám được khởi dựng vào cuối thế kỷ 11 thời nhà Lý, được Ngài Tuệ Tĩnh trùng tu tôn tạo vào cuối thế kỷ 14, và được xây mới lại hoàn toàn vào cuối thế kỷ 17 thời Vua Lê Trung Hưng. Tháng 4/1970, do chạy lũ lụt nên bắt buộc di dời chùa Giám từ bờ sông Thái Bình vào sâu trong đất liền khoảng 7 km. Qua nhiều lần thay đổi và sáp nhập địa giới hành chính nên hiện tại chùa Giám được tọa lạc tại thôn 2, xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Chùa Giám – Thôn 2 – Định Sơn – Cẩm Giàng – HD

Thứ ba là Đền Bia. Nơi thờ Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh và phối thời vị Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho người có công rước Bia của Ngài Tuệ Tĩnh về Việt Nam, đền được tọa lạc tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tương truyền, sau khi Ngài Tuệ Tĩnh đi sứ sang nước Đại Minh (tức Trung Quốc ngày nay), thì Ngài không được quay trở về quê hương Đại Việt nữa. Cũng không rõ chính xác là Ngài Tuệ Tĩnh mất khi nào, chỉ biết vào năm 1400, khi Ngài Tuệ Tĩnh đã bặt vô âm tín, thì nhân dân địa phương đã lấy năm đó làm năm mất.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Đến năm 1699, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang nước Đại Thanh (tức Trung Quốc ngày nay), ông đến Giang Nam và tình cờ thấy mộ của Ngài Tuệ Tĩnh, ông nhận ra đúng là người làng Nghĩa Phú, thuộc tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nước Đại Việt. Cảm động trước lời nhắn gửi thiết tha trên bia của Đại danh Y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã tấu với vua nước Đại Thanh, xin đưa hài cốt Ngài Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được chấp thuận. Ông đành phải thuê người sao chép lại bia mộ của Ngài Tuệ Tĩnh rồi đem về nước, khi về đến vùng Kinh Môn ông thuê thợ khắc lại một tấm Bia bằng đá.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho cùng tấm Bia đi thuyền trên đường sông Thái Bình, khi thuyền về đến cánh đồng làng Văn Thai, giáp với làng Nghĩa Phú quê hương của Ngài Tuệ Tĩnh thì thuyền bất ngờ bị lật, Bia bị rơi xuống và không lấy lên được nữa. Ít lâu sau nước rút cạn người dân đã tìm thấy tấm Bia và thấy doi đất ở đây giống hình con dao cầu chuyên thái thuốc nam, người dân cho rằng đây là nơi địa linh đã được Ngài Tuệ Tĩnh chọn nên đã dựng Bia luôn tại đấy để thờ cúng, cách Đền Xưa quê hương Ngài Tuệ Tĩnh gần 1 km.

Cuối thế kỷ 17, để ghi nhớ công ơn của Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh một lòng vì nước quên thân, vua Lê đã truyền cho quan lại địa phương xây dựng Đền Bia để phụng thờ Ngài Tuệ Tĩnh, lưu truyền tới ngày nay. Trải qua hơn 300 năm biến cố của thiên tai và chiến tranh, ngôi Đền Bia đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần.

Đền Bia được xây theo lối kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tòa Tiền tế, tòa Nhị đệ và Hậu cung. Trong đó, tòa Hậu cung được bài trí khám thờ cùng bức tượng bằng đồng chân dung Đại danh Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh ngồi trên ngai, mặc áo thêu hình rồng, mắt sáng, râu dài và hai tay chắp trước ngực.

Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Theo các cụ thủ nhang nhà đền cho biết, bức tượng này do chính các nghệ nhân người làng Văn Thai tự tay đúc từ khi Đền Bia được xây dựng. Qua chân dung và thần thái của bức tượng cho thấy, các nghệ nhân đã đúc tạc tượng Ngài Tuệ Tĩnh giống như vị Bồ Tát Chuẩn Đề hóa thân xuống trần để cứu dân độ thế. Hằng năm, lễ hội chùa Giám và Đền Xưa được tổ chức chính vào ngày 15/2 âm lịch, còn lễ hội Đền Bia được tổ chức chính vào ngày 1/4 âm lịch.

Lễ hội Đền Bia – Văn Thai – Cẩm Văn – Cẩm Giàng -HD

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *