Tôn giả Đại Ca Diếp
Đạo Phật

Tiểu sử sơ Tổ Đệ nhất đầu đà Tôn giả Đại Ca Diếp sinh năm nào?

5/5 - (8 bình chọn)

Quý vị và các bạn thân mến! Sơ Tổ Tôn giả Đại Ca Diếp là một nhà tu hành khổ hạnh, tại nước Ma Kiệt Đà, tức nước Ấn Độ cổ. Khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, lúc này tuy tuổi đã cao nhưng Tôn giả vẫn quyết tâm xuất gia tu hành theo pháp tu 13 Hạnh Đầu Đà. Ngài tinh tấn tu hành và giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm, chỉ trong một thời gian rất ngắn Tôn giả Đại Ca Diếp đã chứng đắc Thánh quả A La Hán, ngài được tôn xưng là Đệ nhất Đầu Đà và được các huynh đệ đồng tu người người thán phục. Tôn Giáo Phật Giáo mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu về, tiểu sử sơ Tổ Đệ nhất Đầu Đà Tôn giả Đại Ca Diếp, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.


Xem Video Trên Kênh YouTube 

Tôn giả Đại Ca Diếp
Tôn giả Đại Ca Diếp

Tóm tắt về tiểu sử và quá trình xuất gia tu hành 13 hạnh Đầu Đà của ngài Tôn giả Đại Ca Diếp

Tôn giả Đại Ca Diếp có tên thế danh là Thường Tịnh, tức Tất Bát La Da Na, ngài sinh vào năm 636 trước Công nguyên, trong một gia đình hào phú dòng dõi Bà La Môn, tại Làng Mahatittha, nước Ma Kiệt Đà. Thân phụ của ngài là một đại bá hộ có tên là Ẩm Trạch Kapila, thân mẫu tên là Hương Chí Sumanadevi. Sở dĩ ngài Đại Ca Diếp có tên thế danh Tất Bát La Da Na, là vì thân mẫu của ngài trong lúc sắp sinh, đã đi dạo chơi quanh gốc cây Tất Bát La thì hạ sinh ngài, nên bà đã lấy tên của chính cái cây đó để đặt tên cho con. Ngay từ khi ra đời, tôn giả đã hội đủ những quý tướng của một bậc vĩ nhân, trong đó có bảy quý tướng giống với vẻ đẹp của Đức Phật.

Thân phụ của Tôn giả Đại Ca Diếp có thể xem như một vị Tiểu vương, vì làm chủ một lãnh thổ bao trùm đến mười sáu ngôi làng quanh vùng lân cận. Chính vì sinh ra trong một gia đình giàu có, Tôn giả Đại Ca Diếp rất được cha mẹ yêu thương cưng chiều. Khi Tôn giả Đại Ca Diếp lên 8 tuổi, theo luật lệ của Bà La Môn, ngài được cha mẹ cho mời danh sư về nhà dạy học. Với trí thông minh thiên bẩm, Tôn giả Đại Ca Diếp nhanh chóng tiếp thu các môn học rất nhanh và trở nên xuất chúng trong nhiều lĩnh vực như văn học, toán thuật, thi họa, thiên văn, âm nhạc, tướng số… cùng các phép tế đàn 4 mùa, thánh điển Vệ Đà.

Tuy thông minh và giỏi giang vô cùng như vậy, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Tôn giả Đại Ca Diếp đã tỏ ra rất khác so với những đứa trẻ đồng trang lứa, không thích các trò hoan lạc, ghét những chỗ ồn ào và thường chỉ muốn ở một mình. Cuộc sống của ngài giản dị nhưng trong sạch, không vương hạt bụi nhỏ nào của tình cảm nam nữ thế gian. Đó là những đức tính cao đẹp chỉ hiện diện nơi một bậc Thánh xuất thế trong tương lai.

Khi thấy Tôn giả Đại Ca Diếp đã lớn khôn, trở thành một thanh niên tuấn tú, cha mẹ gọi Ca Diếp đến và nói rằng, con đã đến tuổi kết hôn, cha mẹ sẽ chọn cho con một cô gái xinh đẹp, nết na thùy mị về làm vợ. Nhưng vừa nghe đến chuyện lấy vợ, Tôn giả Đại Ca Diếp đã vội vã xua tay nói: Thưa cha mẹ, con muốn sống một mình để được phụng dưỡng cha mẹ. Và nếu được cha mẹ cho phép con chỉ muốn xuất gia đi tu mà thôi. Nếu như lấy vợ thì sự tu hành của con sẽ khó thành ước nguyện.

Tuy vậy, cha mẹ ngài bằng mọi cách ép ngài phải cưới vợ. Mặc dù không thích việc này nhưng vì để vừa lòng cha mẹ, Tôn giả Đại Ca Diếp đã đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe và tạc ra bức chân dung một người phụ nữ thật đẹp để làm khó Phụ mẫu. Nhưng không ngờ rằng, cha mẹ của ngài đã tìm được cô gái đẹp y như bức tượng đó nên ngài bắt buộc phải thành thân. Tên nàng là Bhaddà Kàpilànì.

Nhưng một điều trùng hợp lạ lùng, là nàng Bhaddà Kàpilànì cũng không muốn lấy chồng. Nàng chỉ ước ao được xuất gia, sống đời sống phạm hạnh của một nữ đạo sĩ. Vì thế, hai người tuy mang danh nghĩa là vợ chồng nhưng hai vị sống chung với nhau như hai người bạn trong sạch, không chút ái luyến, không chút vẩn đục. Hai vị đã sống cuộc sống thanh cao như thế cho đến ngày xuất gia cầu đạo.

Sau khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, Tôn giả Đại Ca Diếp mới từ biệt nàng Bhaddà Kàpilànì để đi tìm thầy học đạo, ngài hứa khi tìm được minh sư ta sẽ trở về dẫn cho nàng cùng đi tu tập. Năm ấy Tôn giả Đại Ca Diếp đã trên 47 tuổi. Thật trùng hợp, ngày ngài rời nhà tìm thầy học đạo cũng là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề. Hôm đó là ngày 8/12/589, trước Công nguyên. Tôn giả Đại Ca Diếp đi rất nhiều nơi, học qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa tìm được thầy ưng ý. Cho tới một hôm, ngài nghe có người nói chuyện, hiện thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới thực sự là bậc đại giác ngộ.

Nghe theo lời đồn đại, Tôn giả Đại Ca Diếp tìm đến đạo tràng Trúc Lâm trên núi Linh Sơn, nơi Đức Phật Thích Ca thuyết pháp. Ban đầu, Tôn giả Đại Ca Diếp không đến gặp Đức Phật ngay mà chỉ đi theo những người mộ đạo đến nghe Phật thuyết giảng, để thử xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thực sự là một thầy giỏi như lời đồn hay không. Tại đạo tràng Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa Bát la, nhưng chỉ có mình Tôn giả Đại Ca Diếp mỉm cười, Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc để kế thừa sau này. Cho tới một hôm, sau khi đến nghe giảng về đến giữa đường, Tôn giả Đại Ca Diếp nhìn thấy Đức Phật Thích Ca ngồi dưới một tán cây cổ thụ bên đường.

Như có một sức hút kỳ lạ, tự nhiên ngài quỳ xuống cung kính đỉnh lễ rồi xin bái Đức Thế Tôn làm thầy. Đức Phật Thích Ca lúc này mới nói: Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều. Sau đó, Đức Phật đã khai thị pháp Tứ Diệu Đế và Nhân duyên sinh cho ngài.

Sau khi gặp Phật và được Đức Thế Tôn khai thị, Tôn giả Đại Ca Diếp cảm nhận căn cơ bản thân mình thích hợp với pháp tu khổ hạnh, ngài tinh tấn tu tập và thực hành theo 13 hạnh Đầu Đà, để có được năng lực tịnh hóa tâm hồn, nhưng khi tu theo hạnh này cần giữ đủ 13 nguyện như sau:

1-Hạnh nguyện mặc phấn tảo y, tức là chỉ mặc y bằng vải đã bị vứt bỏ ngoài bãi tha ma hoặc ngoài bãi rác.

2-Hạnh nguyện mặc tam y, tức là chỉ giữ mặc ba y mà Đức Thế Tôn cho phép đó là: Y Tăng-già-lê; Y uất-đà-la-tăng; Y an-đà-hội.

3-Hạnh nguyện đi khất thực, tức là chỉ sống bằng cách cầm bình bát đi xin ăn.

4-Hạnh nguyện thứ lớp khất thực, tức là đi khất thực tuần tự theo từng nhà, không chọn lựa địa điểm.

5-Hạnh nguyện chỉ ăn tại một chỗ ngồi, tức là một ngày chỉ ăn một lần, khi đứng lên khỏi chỗ ngồi thì không ăn nữa.

6-Hạnh nguyện ăn trong một bát, tức là chỉ ăn thức ăn có trong bát, không ăn thức ăn khác ngoài bát.

7-Hạnh nguyện không ăn hậu thời, tức là khi đã dừng bữa ăn rồi thì không ăn thêm thức ăn khác sau đó nữa.

8-Hạnh nguyện trú ở rừng, tức là chỉ sống tại khu rừng xa vắng, không cư ngụ ở làng mạc, phố thị.

9-Hạnh nguyện cư ngụ gốc cây, tức là chỉ sống dưới gốc cây, không ở trong chỗ có che lợp, xây dựng như Am cốc, Tịnh thất, Tịnh xá, Tự viện.

10-Hạnh nguyện cư ngụ ngoài trống, tức là chỉ ở ngoài trời trống không có mái che, cũng không có bóng cây.

11-Hạnh nguyện cư ngụ mộ địa, tức là chỉ ở nơi nghĩa địa, bãi tha ma.

12-Hạnh nguyện theo chỗ chỉ định, tức là chấp nhận bất cứ trú xứ nào mà Tăng chỉ định, không kén chọn tìm chỗ ở vừa lòng.

13-Hạnh nguyện ngồi, tức là chỉ trú với oai nghi ngồi, chỉ trú với oai nghi đi, không nằm.

Sau 7 ngày xuất gia tu học và thực hành theo hạnh nguyện 13 hạnh Đầu Đà của Đức Thế Tôn, sang ngày thứ tám Tôn giả Đại Ca Diếp đã đắc Thánh quả A La Hán, một phẩm Thánh cao nhất, đã giải thoát ngài khỏi mọi phiền não thô thiển lẫn vi tế.

Một thời gian sau, trong một cuộc nói chuyện với Tôn giả A Nan Đà, Tôn giả Đại Ca Diếp đã thuật lại giai đoạn “vỡ lòng” tu Phật của ngài như sau:

Trong bảy ngày đầu, bần đạo đi khất thực và thọ dụng sự cúng dường của chư tín thí mà thân tâm chưa được giải thoát. Nhưng qua ngày thứ tám, Thánh quả A La Hán đã hiện hữu trong tâm bần đạo.

Sau khi Đức Thế Tôn cho người Dì ruột của ngài xuất gia hiệu là Kiều Đàm Di, trở thành vị Ni sư đầu tiên trong giáo đoàn của Phật. Sau đó, Tôn giả Đại Ca Diếp cũng nhờ một Tỳ kheo Ni đi đón nàng Bhaddà Kàpilànì về Ni viện, vì nàng Bhaddà Kàpilànì có sắc đẹp kiều diễm nên không tránh khỏi sự bàn tán xì xầm nơi chốn đông người, nàng không ra ngoài khất thực, không tiếp xúc với đại chúng và tránh chỗ đông đúc. Thấy vậy, nên hằng ngày Tôn giả Đại Ca Diếp chia nửa phần cơm của mình và nhờ người mang đến cho nàng Bhaddà Kàpilànì.

Những người tò mò có tính soi mói thị phi lại sinh tâm tật đố kỵ, dựng chuyện cho là giữa Tôn giả Đại Ca Diếp và nàng Bhaddà Kàpilànì vẫn còn vương vấn tình cảm vợ chồng. Để tránh tiếng, Tôn giả Đại Ca Diếp không chia phần cơm của mình cho nàng Bhaddà Kàpilànì nữa; còn bản thân Tỳ kheo Ni Bhaddà Kàpilànì thì ngày đêm không ăn không ngủ, nhiếp tâm tịnh tọa sám hối tấn tu đạo nghiệp, chứng đắc Túc mạng thông và được Đức Thế Tôn hết lòng khen ngợi.

Một thời Đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Rồi Tôn giả Đại Ca Diếp đi đến cung kính đỉnh lễ Đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Đại Ca Diếp:

Này Tôn giả Đại Ca Diếp, ông đã già rồi, giống như những tấm vải gai thô bị cũ nát đáng được quăng bỏ. Này Tôn giả Đại Ca Diếp, ông hãy mang những y áo do các thiện nam tín nữ dâng cúng, thụ dụng những món ăn được mọi người mời và hãy ở gần bên Ta.

Tôn giả Đại Ca Diếp bèn đáp; Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu nay sống ở trong rừng, quen đi khất thực và quen mặc y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh tấn tu hành. Đức Thế Tôn lại hỏi; này Tôn giả Đại Ca Diếp, ông thấy có lợi ích gì với việc mà đã lâu nay ông sống ở trong rừng, đi khất thực, mặc y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh tấn tu hành?

Tôn giả Đại Ca Diếp đáp; Bạch Đức Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích đó là, thứ nhất, tự mình được an lạc và vì lòng từ mẫn mong rằng chúng sanh sẽ học tập theo. Thứ hai, nếu ai thực hành được như vậy trong một thời gian dài, thì họ sẽ sống an lạc và hạnh phúc. Đức Thế Tôn nói, Lành thay lành thay, này Tôn giả Đại Ca Diếp, ông thực hành như vậy vì lợi ích cho khắp cả chúng sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì an lạc cho tất cả chư Thiên và loài người. Này Tôn giả Đại Ca Diếp, ông hãy mang vải gai thô đáng được quăng bỏ, hãy sống khất thực bằng bình bát và trú xứ ở trong rừng.

Khi Đức Thế Tôn và Tôn giả Đại Ca Diếp về tuổi lão niên, theo thời gian và quy luật tự nhiên cả hai ngài đều không còn khỏe mạnh như xưa. Và rất nhiều lần Đức Thế Tôn đã mời ngài Tôn giả Đại Ca Diếp về Tinh xá, nơi có đời sống ổn định và thích hợp với tuổi già hơn ở trong rừng, nhưng ngài Tôn giả Đại Ca Diếp nhất quyết từ chối.

Ngài xuất thân từ một dòng dõi Bà la môn hào phú, khi mới xuất gia Tôn giả Đại Ca Diếp đã phát tâm tu khổ hạnh, nguyện sống giữ giới phạm hạnh, thiểu dục tri túc. Cho đến lúc tuổi già sức yếu, Tôn giả Đại Ca Diếp vẫn chọn lối sống khất thực, mặc y phấn tảo thô rách, sống lang thang trong những khu rừng cô tịch cho đến cuối đời.

Điều gì đã giúp Tôn giả Đại Ca Diếp thực hành phạm hạnh viên mãn? Tự thân ngài đạt được an lạc và mục đích của đời sống phạm hạnh, đó chính là pháp thoại sống động thuyết phục nhất, để tất cả chúng sanh học tập, noi theo. Ngài xứng đáng được tôn xưng vào hàng bậc Thánh Đệ nhất giữ giới phạm hạnh, từ nội tâm giải thoát cho đến cuộc sống đời thường.

Dù môi trường tu tập và hoằng pháp của chư Tăng ngày nay đã khác xưa, nhưng tấm gương sáng về 13 Hạnh Đầu Đà của Tôn giả Đại Ca Diếp, gần 2600 năm qua, vẫn là giáo pháp căn bản nhất cho chúng ta học tập. Sự sung mãn về vật chất, những tiện nghi cần thiết là phương tiện cho chúng ta thực thi Phật sự, song phẩm chất phạm hạnh và tuệ giác mới là chất liệu đích thực để tác thành nên nhân cách của những bậc chân tu chánh pháp.

Tôn giả Đại Ca Diếp
Tôn giả Đại Ca Diếp

Tôn giả Đại Ca Diếp – Lòng từ bi của Ngài khiến đất trời phải cảm động

Một vị Tôn giả Đại đệ tử của Đức Thế Tôn được Chư Thiên và mọi người quý kính, nhưng ngài lại chấp nhận thọ thực một bát nước gạo chua lòm, khi người ta vứt bỏ bên đường và được một bà lão ăn xin đem dâng cúng dường, với nguyện ý mong cho bà được nhiều phước lành và sẽ thoát khỏi cảnh khổ cực.

Con người có sự nhìn nhận sai biệt về phước. Tùy theo phước của mỗi người mà chúng ta nhận được sự giàu có, sang quý hay thiếu thốn, nghèo hèn khác nhau… Người dày phước thì được nhiều người trân trọng, quý kính, còn người mỏng phước thường bị cuộc đời xã hội bỏ quên. Thế nhưng, những người đạo đức và trí tuệ họ sẽ không để phước bị chi phối, họ đối xử với tất cả mọi người đều bình đẳng với lòng từ bi thật sự. Tôn giả Đại Ca Diếp chính là một người như vậy. Lòng từ bi của Tôn giả Đại Ca Diếp được ví như ánh ban mai ấm áp phủ trùm khắp tất cả mọi chúng sinh. Tuy nhiên, bằng sự thương cảm và độ lượng của một bậc Thánh A La Hán, Tôn giả Đại Ca Diếp thường hướng tâm đến những người nghèo khổ, dành cho họ có cơ hội nhận phước cúng dường cho các bậc Thánh Tăng, để họ đủ phước thoát khỏi những khó khăn, thiếu thốn trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp ở tương lai.

Một hôm, khi vào thành Vương Xá khất thực, Tôn giả Đại Ca Diếp nhìn thấy một bà lão ăn mày với vẻ ngoài rách rưới, đau khổ đang nằm thoi thóp trên mặt đất. Bà nghèo đến nỗi không có nổi một bộ quần áo để mặc, phải dùng lá cây để làm quần áo che thân. Mọi người đều nhìn bà bằng một ánh mắt khinh bỉ và xa lánh vì bà đang bị bệnh rất nặng. Tôn giả Đại Ca Diếp lặng lẽ ôm bình bát tiến lại gần bà lão. Bà nhìn thấy trước mặt mình là một vị Sa môn uy nghi và hiền từ đức độ. Bà lão hiểu ý ngài và nói:

Thưa Tôn giả! Vì con quá nghèo nên con không biết lấy gì để cúng dường cho ngài, không có một ai trên đất nước này nghèo hơn con cả. Đã ba ngày qua con không có chút gì để cho vào bụng, sáng sớm hôm nay con thấy có người đi đổ nước gạo, con có hứng được một chút nhưng con chưa dám uống vì nó có vị chua lòm.

Tôn giả Đại Ca Diếp nói: Ta hiểu hoàn cảnh và sự đau khổ của bà, cũng chỉ vì sự phung phí ở kiếp trước mà kiếp này bà phải chịu sự nghèo khổ như hiện tại. Người ta có thể cho bà chút thức ăn, nước uống nhưng nó chỉ giúp cho bà cầm cự được qua ngày, tương lai bà sẽ vẫn tiếp tục gặp nhiều đau khổ. Điều mà bà có thể làm bây giờ là sám hối nghiệp đã làm từ kiếp trước và tìm cách bố thí, san sẻ, cúng dường. Đặc biệt là khởi lên lòng tôn kính đối với Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.

Bà lão chợt hiểu ra những lời khai thị của Tôn giả và xúc động nhìn quanh, chỉ còn chút nước gạo vừa hấng được bên đường, nhìn Tôn giả mà bà lão cảm thấy ngượng ngùng. Tôn giả Đại Ca Diếp nhìn bà bằng ánh mắt từ bi đầy hoan hỷ chấp nhận. Bà lão tay run run sẻ phần nước gạo đã bị chua lòm vào bình bát. Tôn giả Đại Ca Diếp chúc những điều tốt lành tới bà lão rồi lặng lẽ ôm bình bát rời đi. Những người xung quanh không ai có thể kìm nén được sự xúc động khi chứng kiến hoàn cảnh ấy.

Một vị Tôn giả Đại đệ tử của Đức Thế Tôn được Chư Thiên và người người tôn kính, lại chấp nhận thọ thực một bát nước gạo chua lòm của một bà lão ăn xin cúng dường, với hạnh nguyện mong cho bà có được nhiều phước lành để thoát khỏi cảnh khổ cực. Tấm lòng từ bi của Tôn giả Đại Ca Diếp khiến đất trời cũng phải cảm động. Chính vì vậy mà bất kì ai, cho dù là Chư Thiên ở trên cõi Trời hay mọi người ở cõi phàm nhân, nếu ai kính ngưỡng hoặc cúng dường Tôn giả Đại Ca Diếp đều được phước báo thù thắng vô lượng.

Tôn giả Đại Ca Diếp
Tôn giả Đại Ca Diếp

Tôn giả Đại Ca Diếp thừa kế Đức Thế Tôn và kết tập Kinh điển

Thấy Tôn giả Đại Ca Diếp đạo cao đức trọng, Đức Thế Tôn và giáo đoàn đều vị nể. Trọn giữ Hạnh Đầu Đà, lúc nào Tôn giả Đại Ca Diếp cũng trú ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc đại thụ, quán nắm xương trắng ở bãi tha ma, chẳng quản đêm ngày nắng mưa, sương gió… Mãi đến lúc tuổi già râu tóc bạc phơ, thân thể gầy guộc nhưng ngài vẫn không bao giờ chểnh mảng việc tu hành.

Ngài thực hành phạm hạnh Đầu Đà là trực tiếp củng cố giáo đoàn, gián tiếp làm lợi lạc chúng sinh, củng cố tăng đoàn là điều kiện để thừa kế Đức Phật. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỳ kheo! Tôn giả Đại Ca Diếp luôn luôn lo ngại cho tiền đồ chính pháp. Thiên ma ngoại đạo hay thế lực cường quyền không thể phá hoại được chính pháp, chỉ có nội đạo lộn xộn, Tăng đoàn hủ hóa thiếu phạm hạnh tu hành, là điều kiện chính làm cho chính pháp bị tiêu diệt, “Trùng trong sư tử ăn thịt sư tử.” Vì thế, nếu Tăng đoàn luôn được củng cố, giới đức luôn giữ thanh tịnh trang nghiêm, nội tình ổn định hòa hợp thì tất yếu chính pháp được trường tồn. Để củng cố cho Tăng đoàn luôn được vững mạnh, khi sinh hoạt Tăng chúng phải nghiêm túc, giới luật phải được tôn trọng giữ gìn, nếu giới luật còn thì đạo ta còn. Người có thể chủ trì thừa kế chính pháp của ta phải là Tôn giả Đại Ca Diếp”.

Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn 7 ngày, Tôn giả Đại Ca Diếp liền triệu tập hội nghị kết tập Kinh điển trong 3 tháng liên tiếp. Đại chúng nhất trí đề cử Tôn giả Đại Ca Diếp làm chủ tọa.

Thấm thoát đã hơn 30 năm. Càng nghĩ, Tôn giả Đại Ca Diếp càng nhớ lại những ân sâu như trời biển của Đức Thế Tôn, vì đại chúng mà lưu truyền đại pháp. Lúc này, Tôn giả Đại Ca Diếp đã ngoài trăm tuổi, tuy trí tuệ của ngài vẫn còn minh mẫn sáng suốt, nhưng sắc thân tứ đại thì vẫn mỏi mòn theo năm tháng. Tôn giả biết không còn bao lâu nữa thì sẽ nhập diệt, nên ngài cố gắng củng cố tăng đoàn và giao phó cho người đủ năng lực thừa kế, để khỏi phụ lòng của Đức Thế Tôn.

Tôn giả Đại Ca Diếp tìm đến nơi ngài A Nan đang du hóa hoằng pháp, để phó chúc pháp tạng, Tôn giả Đại Ca Diếp yêu cầu ngài A Nan tiếp nối sứ mạng thừa kế lãnh đạo Tăng đoàn. Đây là một trách nhiệm cực kỳ quan trọng, quyết định sự hưng thịnh của Phật giáo ngày sau, nên ngoài Tôn giả A Nan, trong lúc này không ai có thể đảm đương nổi việc này. Sau đó, Tôn giả Đại Ca Diếp đi đến 8 tháp thờ Xá Lợi Phật để lễ lạy từ biệt. Sau đó, ngài mang theo y bát của Đức Thế Tôn đến núi Kê Túc, ngồi nhập định rồi nhập Niết Bàn. Lúc này Tôn giả Đại Ca Diếp được 140 tuổi đời và 93 năm tuổi đạo, đó là năm 496 trước Công nguyên. Các bậc Cao Tăng của nhiều thế hệ sau này nói rằng, Tôn giả Đại Ca Diếp chỉ nhập định trên núi Kê Túc, để chờ Đức Di Lặc Tôn Phật hạ sanh, rồi trao lại Y bát của Đức Thế Tôn đã từng căn dặn.

Mặc dù Tôn giả Đại Ca Diếp đã nhập diệt Niết Bàn, nhưng những ảnh hưởng nếp sống đạo đức, phạm hạnh tu hành của Tôn giả vẫn còn trường tồn mãi mãi với thời gian… Suốt cả cuộc đời tu hành khổ hạnh, Tôn giả Đại Ca Diếp trở thành một vị chân tu gương mẫu trong giáo đoàn, phẩm hạnh có tầm ảnh hưởng rộng khắp bao trùm. Đức Thế Tôn cũng vị nể xem ngài Tôn giả Đại Ca Diếp như một người bạn, có lần Đức Phật đã nhường nửa tòa ngồi giảng pháp cho ngài Tôn giả. Tấm gương của Tôn giả Đại Ca Diếp chính là, người có tư cách đạo đức tốt thì bao giờ cũng được người người kính nể, ngược lại những người không tư cách đạo đức cho dù có giàu mạnh đến đâu, nhưng cuối cùng cũng bị chính cuộc đời đào thải.

Mời quý đạo hữu tham khảo thêm những thông tin về Tôn giả Đại Ca Diếp

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *