Vì sao hành giả Thích Minh Tuệ lại được cả thế giới yêu mến?
Quý vị và các bạn thân mến! Khi giáo pháp đang bị biến dạng trầm trọng, vì họ đã biến long thành xà, biến quạ thành công, biến không thành có để mê hoặc lòng người, khiến cho người dân mất niềm tin và không còn tha thiết với những cảnh chùa to tượng lớn. Thật may thay cho muôn dân nước Việt, rất vinh hạnh được chào đón một vị Phật tương lai, ngài được sinh ra tại miền Trung nước Việt Nam. Đó chính là một nhà tu hành khổ hạnh Đầu đà, có pháp danh là Thích Minh Tuệ, sự xuất hiện kịp thời của ngài đã đem ánh hào quang của Phật pháp nguyên thủy, để lan tỏa tới hàng tỷ người dân khắp toàn thế giới, không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Tuy Tôn giáo Tín ngưỡng của mỗi nước khác nhau, nhưng đều hân hoan đón chào nhà sư khổ hạnh. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng mời quý vị đạo hữu cùng tìm hiểu, vì sao hành giả Thích Minh Tuệ lại được cả thế giới yêu mến đến vậy? Thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Hành giả Thích Minh Tuệ xuất hiện đúng lúc đúng thời điểm để lan tỏa Phật pháp
Có lẽ chưa bao giờ trong mỗi chúng ta cảm thấy, lối sống tha hóa về đạo đức và nhân cách lại xuất hiện trong cửa Phật như lúc này, một nơi được cho là giữ gìn giới luật, phạm hạnh thanh tịnh và nghiêm khắc bậc nhất trong các Tôn giáo lớn trên Thế giới. Ngày càng nhiều những ngôi chùa được doanh nghiệp hóa mọc lên, vô hình trung, họ đã dựng lên những bức kim thân tượng Phật, để làm bình phong cho những khoản doanh thu được hợp thức hóa, mà không bao giờ được công bố. Một số Tăng ni phạm giới mê đắm Ngũ dục, sau đó hoàn tục và đem theo tiền, vàng, sổ đỏ trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng có được trong quá trình tu hành về làm của riêng. Nhiều thầy có chức sắc giáo phẩm trong Giáo hội, nhưng lại thuyết pháp sai về nhân quả trong đạo Phật, công khai hiến kế ngay trong cuộc họp của Tăng chúng, làm sao cho Phật tử họ chuyển khoản cúng dường thường xuyên hơn. Những lời lăng mạ ví von tục tĩu với đại chúng giữa chốn thiền môn.
Trong khi Phật tử và nhân dân đang ngán ngẩm về tương lai của một nền Phật giáo nước nhà, thì bỗng xuất hiện một vị hành giả có tên pháp danh là Thích Minh Tuệ. Ngài ấy đang được cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới, chia sẻ và lan tỏa những thước phim, hình ảnh của hành giả Thích Minh Tuệ trên mạng xã hội, với một năng lượng rất tích cực của nhà tu hành khổ hạnh, 13 hạnh Đầu Đà, theo đường lối nguyên thủy như thời Đức Phật thích Ca còn tại thế. Hành giả Thích Minh Tuệ không có tên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài cũng không là một nhân sự của bất cứ một ngôi chùa, Tinh xá hay Am thất nào cả. Một số người lại cho rằng, cách tu của hành giả Thích Minh Tuệ không hợp thời, nhưng với những người am hiểu về Phật pháp thì ai ai cũng phải công nhận rằng, con đường hành giả Thích Minh Tuệ đã và đang chọn thuộc lối tu gian khổ nhất và chính pháp nhất.
Hành trang của ngài chỉ có 3 Y tự may bằng những mảnh vải đã bị người ta vứt bỏ ven đường hoặc bãi rác, 1 chiếc Bình bát được ngài tự chế bằng ruột nồi cơm điện. Hằng ngày hành giả Thích Minh Tuệ chỉ đi khất thực vào buổi sáng, và chỉ nhận thức ăn chay vừa đủ cho một bữa ăn duy nhất vào lúc ngọ thời, đặc biệt là ngài không dùng điện thoại và không nhận tiền dưới bất kỳ mọi hình thức. Những việc khiến một người bình thường cảm thấy bất an, nhưng hành giả Thích Minh Tuệ đều chủ động sống với nó. Trên đường bộ hành từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam, ngài luôn sẵn sàng đón nhận tất cả mọi điều tốt xấu. Dù có bị người ác tâm đấm đá hay được người thiện tâm quét đường đi, ngài lúc nào cũng giữ một nét mặt vui tươi và nụ cười thiện cảm. Có Phật tử hỏi, Thầy có ý định đi đến đâu và sẽ đi trong bao lâu? Hành giả Thích Minh Tuệ nhẹ nhàng trả lời, dạ… con sẽ đi tới khi nào con chết, và con sẽ đi đến tất cả mọi nơi trong đất nước Việt Nam này.
Chính vì đại hạnh nguyện vô cùng to lớn của ngài, mà được rất nhiều các vị chân tu, Cha xứ, Giáo sư, Giảng sư, Luật sư trong nước và thế giới hết lòng tán thán, trong đó có Thượng tọa Thích Minh Đạo, trụ trì Tu Viện Minh Đạo, tại thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Thượng tọa Thích Minh Đạo cho rằng, hành giả Thích Minh Tuệ là hiện diện của Tổ Ma Ha Ca Diếp, là một trong mười đại đệ tử chứng đắc Thánh quả Đệ nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng cũng có một vài nghiệp chướng Tăng, người trong giới tu hành lại cho rằng, hành giả Thích Minh Tuệ đã được một thế lực nào đó thuê người quay phim rồi tung hô ngài lên mạng, cho cả thế giới tôn vinh ngài là một bậc chân tu ngàn năm mới có. Điều đó vô hình trung đã khiến cho đại chúng nghi ngờ và hạ thấp những pháp tu khác trong đạo Phật.
Một vị Đại đức ở Hà Nội lại cho rằng, kiểu tu của hành giả Thích Minh Tuệ là sự biến đổi tư duy, đi tìm cầu một cái gì đó độc lạ không giống pháp tu nào trong giáo lý nhà Phật, vì vậy… không thể gọi ông ấy là sư. Hành giả Thích Minh Tuệ dường như cũng đã lường trước được những ý kiến như vậy, nên chỉ tự nhận mình là một công dân đang tập học theo lời Phật dạy, ông ấy luôn xưng con với tất cả mọi người, coi mọi người đều là cha mẹ, anh em của ông ấy.
Trước những lý luận cho rằng, hạnh đầu đà là phải ẩn tu trong rừng không cho ai biết, theo giảng viên Ngôn ngữ học Nguyễn Thanh Huy của trường Đại học Khánh Hòa phân tích, trước đó hành giả Thích Minh Tuệ đã từng ẩn tu trên núi tại Nha Trang, còn bây giờ ngài ấy chọn bước ra đời để thử thách bản thân. Trên bước đường bộ hành của sư, nếu ngài ấy bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc hay sắc đẹp, tức cái tham dục đã khởi lên, hoặc ngài ấy cảm thấy bị phiền toái khi có nhiều người vây quanh, quấy nhiễu, tức là cái sân của ngài ấy đã nổi lên. Do đó, nếu chỉ ẩn tu thì chưa chắc hành giả Thích Minh Tuệ sẽ chế ngự được tâm, khi đối diện với những xúc chạm của thế tục.
Có thể gây chú ý trong một số lĩnh vực nào đó trước công chúng là không nên, nhưng riêng trong lĩnh vực Phật giáo lúc này có khi lại hay. Đó là một dịp tốt để mọi người quán chiếu đến một khía cạnh chính yếu của Phật pháp, là sự tự mình tu tập chứ không phải nhất thiết hô hào Phật tử tài trợ xây chùa, cúng dường hay dâng sao giải hạn. Chắc cũng rất nhiều người từ tấm gương khổ hạnh, can đảm dám nghĩ dám tu của hành giả Thích Minh Tuệ, sẽ rút ra cho mình được một số bài học, để điều chỉnh bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.
Lúc đỉnh điểm, đã có tới hàng nghìn người tạm bỏ công việc để đi bộ hành theo hành giả Thích Minh Tuệ, vì số người quá đông nên đã gây tắc nghẽn giao thông và trực tiếp tạo áp lực cho thầy. Chính vì điều này mà Thượng tọa Thích Minh Đạo đã tha thiết nhắn gửi tới đại chúng, nếu chúng ta thực sự quý mến ngài Minh Tuệ, chỉ cần chúng ta đứng hai bên đường cung kính chắp tay chào ngài ấy, rồi chúng ta ra về tiếp tục với công việc thường nhật. Chúng ta cũng là con người vốn có sẵn Phật tính, cũng sẽ thành Phật nếu chúng ta có lòng quyết tâm và có chí kiên định. Nhân sự tinh tấn tu hành của các bậc thầy cao quý, hãy so sánh chính mình để nhìn vào chiếc lá vô thường mà chúng ta tự tu tập. Dù đang tỉnh thức ở những mức độ nào, thì bản thân mỗi người cũng phải tự đi con đường riêng của mình. Nhưng đôi khi lại được tạo nên cảm hứng từ độc đạo của một người khác. đó cũng là một duyên lành vậy.
Hành giả Thích Minh Tuệ bắt đầu lộ trình bộ hành từ miền Nam ra ngoài Bắc, từ ngày mùng 4 tháng 12 năm 2018 đến nay, trong 6 năm ngài đã có 4 lần đi bộ hành vào Nam ra Bắc như vậy. Hành giả Thích Minh Tuệ có hạnh nguyện đi bộ hành, là để đặt chân đến tất cả các địa danh, tỉnh thành khắp trên cả nước. Riêng lần bộ hành của đầu năm 2024 này, ngài xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa ra một số tỉnh thành phố ngoài miền Bắc như, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa. Từ đây bắt đầu người dân cùng bộ hành theo mỗi lúc một đông, rồi số người tình nguyện xuất gia theo 13 hạnh Đầu đà của ngài cũng cứ thế tăng dần. Các cấp chính quyền tại các địa phương mỗi khi ngài đi qua, đã phải huy động lực lượng Công an giao thông phân luồng và giữ an ninh trật tự, hỗ trợ cho quá trình bộ hành của ngài Minh Tuệ.
Càng quay vào sâu trong các tỉnh miền Trung, nhân dân từ các tỉnh thành trong nước và ngoại quốc đổ về càng tăng gấp bội, khi về địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến đêm ngày mùng 2/6/2024 thì lộ trình bộ hành của ngài Minh Tuệ đã phải dừng lại. Hiện tại hành giả Thích Minh Tuệ đang ẩn tu tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, là nơi ngài sinh sống cùng gia đình trước khi xuất gia. Từ khi hành giả Thích Minh Tuệ trở về Gia Lai, đã có rất nhiều các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với Gia Lai, để giúp đỡ những gia đình khó khăn, những người già neo đơn, những người bệnh trọng, những người khuyết tật và trẻ mồ côi. Tất cả những hoàn cảnh đó đều được hỗ trợ một phần quà, lương thực, một số tiền để làm kế sinh nhai và trang trải cuộc sống. Đó chính là những phước báu của hành giả Thích Minh Tuệ đang xả thân ngày đêm tu hành, để cho nhân dân địa phương cùng được hưởng quả lành.
Một số người có cái nhìn rất hạn hẹp lại thắc mắc rằng, nếu nhiều người cứ ôm Bình bát đi khất thực giống hành giả Thích Minh Tuệ, thì lấy ai cấy trồng ra lúa gạo? Lấy ai sản xuất ra vải vóc cho mà mặc? Nhưng thật lạ thay:
Sao họ không hỏi Giáo sư Ngô Bảo Châu rằng, nếu tất cả mọi người đi làm toán và ai cũng học theo Giáo sư để học toán thì lấy ai trồng lúa cho mà ăn? Chắc chắn làm toán thì sẽ không ra hột gạo nào rồi.
Sao họ không hỏi nhạc sĩ Đặng Thái Sơn rằng, nếu ai cũng chơi đàn suốt ngày thì ai sẽ là người dệt vải cho mà mặc? Chắc chắn một nhạc sĩ biết chơi đàn tuyệt luân cũng không ra sợi vải nào đâu.
Sao họ không hỏi cầu thủ Quang Hải rằng, nếu cả ngày anh ta cứ ôm quả bóng như vậy, thì lấy ai ra giữ gìn biển đảo? Lấy ai giữ bình yên trên đường?
Họ không hiểu rằng, phân công xã hội tự nhiên thì mỗi người sẽ có một công việc phù hợp với sứ mệnh đó rồi. Hành giả Thích Minh Tuệ đã đang làm rất tốt sứ mệnh của ngài ấy. Tất cả chúng ta sinh ra trên thế giới này, đều có sứ mệnh riêng của mỗi chúng ta.
Hạnh nguyện tu hành chân chính của hành giả Thích Minh Tuệ
Trước khi một người tu sĩ dấn thân vào con đường tu đạo, bất luận đó là Tôn giáo nào, nghĩa là họ muốn tìm đến chân lý để tự hoàn thiện bản thân theo đức tin của mình. Không ai ngay từ đầu đã xác định là mình đi tu hành để cứu độ chúng sinh, bởi lẽ sự khiêm hạ của bản thân không cho phép họ nghĩ như vậy. Việc đầu tiên với họ là tự mình vượt khó để tìm cầu chân lý cho mình, mà chân lý cuối cùng chính là sau khi mình kết thúc cuộc sống ở Trần gian. Trong mỗi pháp tu, mỗi con người và mỗi Tôn giáo sẽ có một đức tin riêng.
Hành giả Thích Minh Tuệ cũng vậy, ngài ấy đi tu là để học tập, để rèn luyện sức khỏe và rèn luyện bản thân, thực hành theo lời Phật dạy, vừa rèn luyện đạo đức, vừa rèn luyện tâm thức và trí huệ. Hành giả Thích Minh Tuệ muốn học theo pháp tu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài sợ rằng, giờ không tu sớm, lỡ sau này mất đi cái thân tứ đại rồi thì sẽ không còn được tu nữa. Chỉ cần một ý nghĩ đó đã đủ chứng minh, tôn giả Thích Minh Tuệ nhất tâm và có đức tin tuyệt đối vào con đường mà Đức Phật đã đi, ngài ấy đã giác ngộ ngay khi nghĩ và hiểu rõ được điều này, ngài lo thời gian ở Trần gian quá ngắn ngủi không đủ để ngài học tập và tu hành. Chỉ cần sự giác ngộ chừng đấy thôi đã đủ cho chúng ta thấy được, hành giả Thích Minh Tuệ thực sự là một bậc chân tu hiếm có của cả thế giới, trong thời đại này. Hành giả Thích Minh Tuệ đã thực hành điều đó đã hơn 6 năm trời, đó chắc chắn sẽ là con đường xuyên suốt cuộc đời tu hành còn lại của ông. Hành giả Thích Minh Tuệ xứng đáng là đệ tử chân truyền của Phật Thích Ca, không gặp mà tín, không thấy mà tin.
Ngay bây giờ và lúc này, hành giả Thích Minh Tuệ cũng chưa dám nghĩ mình đi tu để mang lại hạnh phúc cho ai, ngài chỉ mong đi tu để sau này được báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ. Đức tin và lòng hiếu thảo đó đã giúp hành giả Thích Minh Tuệ chứng đắc đạo hạnh và đạo hiếu song song. Sự khiêm hạ của hành giả Thích Minh Tuệ đã giúp ngài chứng đắc đạo đức. Sự buông bỏ vật chất, danh vọng, tình ái, đoạn diệt tham, sân, si… đã giúp ngài chứng đắc sự an lành. Sự hành xác trong hơn 6 năm qua, ngày chỉ ăn một bữa và đi bộ vài chục cây số, du kinh, du thân, đêm ngủ gốc cây, nhà hoang, nghĩa địa… đã giúp hành giả Thích Minh Tuệ chứng đắc diệt khổ. Chỉ chừng đó đã đầy đủ các yếu tố, để hành giả Thích Minh Tuệ chứng đắc Thánh quả và trở thành một vị Phật trong tương lai.
Hy vọng của hàng triệu triệu tín đồ Phật tử trên thế giới, luôn mong chờ trong tương lai gần hành giả Thích Minh Tuệ xuất hiện với pháp thân là một vị Phật giác ngộ hoàn toàn. Ngài sẽ hội tụ đầy đủ Tâm pháp, Tướng pháp, Hình pháp, Thân pháp, Khẩu pháp, Sắc pháp, Khí pháp, Lực pháp, Trí pháp, Hạnh pháp, Vô hình pháp, với đầy đủ lý luận và phương pháp hạnh nguyện, để truyền dạy giáo lý cho đệ tử hiện tại và tương lai. Nhiệm vụ của ngài là vô cùng khó khăn và khắc nghiệt, nhưng vinh quang của hành giả Thích Minh Tuệ lại vô cùng to lớn.
Để giúp ngài Thích Minh Tuệ mau chóng chứng đắc thành Phật, rất cần sự thành toàn của các cấp chính quyền nhà nước Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất; Về phía nhân dân Việt Nam:
Mọi người đừng vì sự hiếu kỳ của bản thân mà bỏ cả công việc của mình để đi theo thầy. Hãy lặng lẽ đảnh lễ ngài Minh Tuệ từ xa và hồi hướng những điều tốt nhất đến mọi người. Đừng lên mạng xã hội chửi tục, phê phán hay so sánh giữa các vị tu sĩ và Tôn giáo khác mà tạo khẩu nghiệp. Đừng lợi dụng sự nổi tiếng của ngài Minh Tuệ để kinh doanh, buôn bán, chặt chém dưới mọi hình thức, điều đó thật sự rất có tội! Hãy tôn kính và quý trọng, bảo vệ hành giả Thích Minh Tuệ như bảo vệ một vị Phật tương lai, như bảo vệ một Quốc bảo của dân tộc, trong đó có cả phúc phần của mỗi bản thân chúng ta.
Thứ hai; Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Các vị cao Tăng thạc đức nên quán chiếu lại một số Tăng ni, trụ trì xem có giữ gìn giới luật tu hành, xem có thuyết giảng chánh ngữ, chánh pháp hay chưa?
Các vị đừng vội phê phán, chê trách một vị tu sĩ khổ hạnh không nhận tài vật, không dùng điện thoại, trong khi đường lối tu hành của mình vẫn còn bị lu mờ vì tiền tài danh vọng, vẫn sử dụng xe hơi, điện thoại, đồng hồ có phiên bản hạn chế nhất thế giới.
Các vị đừng buồn khi thấy các chùa bị giảm thu nhập từ việc kêu gọi là cúng dường. Vì điều đó sẽ giúp cho Giáo hội thanh sạch và uy tín hơn, loại bỏ được những thành phần giả tu lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để làm giàu cho chính bản thân họ. Giảm bớt nguồn tiền xây chùa không cần thiết để dành tiền cho việc xây bệnh viện, trường học và giúp đỡ những người nghèo khổ.
Quản lý những vị sư là thành viên trong Giáo hội đi theo hành giả Thích Minh Tuệ, không để những thành phần bất hảo trà trộn làm ảnh hưởng đến con đường tu tập của hành giả Thích Minh Tuệ.
Các vị nên trân trọng và bảo vệ danh dự, quyền tự do tu hành của hành giả Thích Minh Tuệ, giúp đỡ ngài ấy được thuận lợi trên con đường tu tập trong nội Quốc và giao lưu Phật pháp Quốc tế. Hãy trân trọng ngài ấy là Bảo Bối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi hành giả Thích Minh Tuệ đang làm cho chân lý Phật giáo Việt Nam sống lại. Vì thế mà hàng tỷ con người trên Thế giới biết đến Phật giáo Việt Nam nhiều hơn.
Thứ ba; Về phía nhà nước Việt Nam:
Các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện, bảo vệ an ninh tốt nhất, giúp cho hành giả Thích Minh Tuệ được an tâm tu luyện, ngài không bị cản trở ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi hành giả Thích Minh Tuệ sẽ là Quốc bảo của đất nước trong thời gian không xa.
Hành giả Thích Minh Tuệ đang là hiện tượng thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước rất lớn. Điều này, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước và các địa phương, cần biết ơn hành giả Thích Minh Tuệ vì ngài ấy đã làm được điều mà Bộ văn hóa và nhiều Ban ngành không thể làm nổi.
Hành giả Thích Minh Tuệ đang lan tỏa những giá trị yêu thương, đạo đức, đạo hạnh, sự chân thành, chân thực và chống giả dối, ngài ấy đang tạo nên một làn sóng năng lượng tích cực trong nhân dân Việt Nam, điều đó thật đáng trân quý.
Những cảm nhận của dân chúng khi nhận được năng lượng tích cực từ hành giả Thích Minh Tuệ.
Chưa bao giờ mà chúng con có thể tự phân biệt rõ ràng chánh tà như lúc này. Hành giả Thích Minh Tuệ chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng ngài đã giúp cho chúng con thức tỉnh và ngộ ra rất nhiều điều. Hành giả Thích Minh Tuệ đã đem nguồn ánh sáng Phật pháp vô cùng thuần khiết, soi rọi đến tất cả những ngóc ngách sâu thẳm nhất của Ba miền đất nước. Ngài đã giúp cho những người dân chúng con biết đến năm giới của nhà Phật, biết xả bỏ bớt dần tham, sân, si. Bớt chạy theo danh vọng và vật chất. Cho dù cuộc sống đời thường vẫn còn nhiều những khó khăn vất vả, nhưng mỗi khi nhìn vào tấm gương của ngài chúng con lại cảm thấy an lạc hơn, hài lòng với bản thân và cuộc sống hơn.
Chúng con biết quan tâm chia sẻ đến những mảnh đời thiếu may mắn nhiều hơn, biết cho đi là sẽ nhận lại được nhiều niềm vui trong cuộc sống, lần đầu tiên trong đời chúng con được biết thế nào là pháp tu khổ hạnh, chỉ là một bữa cơm chay đạm bạc nhưng ngài thọ nhận một cách rất hoan hỷ, đã mang lại cho chúng con niềm hạnh phúc nghẹn ngào ứa lệ. Hành giả Thích Minh Tuệ luôn chúc cho tất cả mọi người đều được an vui hạnh phúc, ngài đã chỉ cho chúng con biết, đâu mới là con đường chính đạo, để chúng con tự mình bước đi, tự mình thực hành và giải thoát trong chính cuộc sống này.
Bởi năng lượng tích cực của hành giả Thích Minh Tuệ, đã được lan tỏa trên khắp hành tinh này, vì thế mà có rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ trong nước và thế giới có được cảm hứng sáng tác và hát trên mọi dòng nhạc, ca ngợi, tán thán về một hành giả tu hạnh Đầu đà. Những nghệ nhân điêu khắc cũng đem hết tâm lực của mình, để khắc lên những bức tượng đủ các kích cỡ và dáng vẻ trang nghiêm của hành giả Thích Minh Tuệ. Những họa sĩ trong và ngoài nước cũng cung kính, thán phục đạo hạnh của ngài, họ đã họa lên những bức tranh với đủ mọi chất liệu, về một vị chân tu khổ hạnh ngàn năm mới có. Những nhà thiết kế thời trang cũng nhờ có cảm hứng từ thầy, đã thiết kế lên đủ các mẫu trang phục, túi xách giống với Y phấn tảo mà hành giả Thích Minh Tuệ thường mặc. Cảm ơn nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, đã chắt lọc và thu nạp những tinh hoa từ dòng dõi lạc hồng, để sản sinh ra một vị chân tu kiệt xuất, đó chính là Đầu đà hành giả Thích Minh Tuệ.
Những lời chia sẻ về quá trình xuất gia tu hành của hành giả Thích Minh Tuệ
Câu một: Giữa tháng 7 năm 2015, trong lúc đi làm con vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa , con tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng.
Câu hai: Con nhận thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.
Câu ba: Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà , nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.
Câu bốn: Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1, rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.
Câu năm: Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp căn cơ nên con rời bỏ chùa, con lên núi ẩn tu một mình trong hốc đá, hàng ngày con đi khất thực.
Câu sáu: Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi, khi nào con mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.
Câu bảy: Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm, để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.
Câu tám: Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh tên con là Lê Anh Tú.
Câu chín: Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không có được hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con cũng sẽ giống họ.
Câu mười: Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu , thiền định, trí tuệ , thoát được khổ đau và an lạc hạnh phúc.
Câu mười một: Phật bày như thế nào thì con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được vì con còn đang học.
Câu mười hai: Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.
Câu mười ba: Hằng ngày con chỉ xin ăn không quá một bữa cơm chay để nuôi thân tu hành, con không tích chứa để dành hoặc xin thêm.
Câu mười bốn: Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai dưới bất cứ hình thức nào.
Câu mười lăm: Y áo con mặc là do con tự may, từ những mảnh vải con nhặt được, ở nghĩa địa hoặc bãi rác ven đường.
Câu mười sáu: Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái vì con không muốn làm ảnh hưởng đến họ.
Câu mười bảy: Bình bát để nhận thức ăn là do con sửa chế từ ruột nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là Y bát của quý sư thầy.
Câu mười tám: Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội để tu nữa.
Câu mười chín: Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.
Câu hai mươi: Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ của con.
Câu hai mươi mốt Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
Câu hai mươi hai: Giờ nếu mọi người có chửi con, con vẫn coi mọi người là bạn.
Câu hai mươi ba: Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
Câu hai mươi tư: Con nguyện ước chúc cho mọi người đều được hạnh phúc.
Câu hai mươi lăm: Bình thường, khi con chưa phát tâm tu hành chánh đẳng chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không? Mình có chiến thắng với bốn nổi khổ: Sinh-Già-Bệnh-Chết không? Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.
Câu hai mươi sáu: Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu thì sẽ được hạnh phúc.
Câu hai mươi bảy: Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.
Câu hai mươi tám: Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.
Câu hai mươi chín: Người ta cho con chay-mặn có đủ. Khi ăn, con chỉ chọn thức ăn chay.
Câu ba mươi: Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật – Pháp – Tăng.
Câu ba mươi mốt: Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.
Câu ba mươi hai: Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.
Câu ba mươi ba: Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.
Câu ba mươi tư: Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khỏe.
Câu ba mươi lăm: Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa, giày dép mau hư hơn chân con.
Câu ba mươi sáu: Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.
Câu ba mươi bảy: Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uổng, cần phải sống để giữ nó.
Câu ba mươi tám: Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.
Câu ba mươi chín: Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình được an ổn cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, nên con không học chú đại bi.
Câu bốn mươi: Ai nói xấu hay chửi mắng con thì con cũng không giận họ, con sẽ chúc họ được may mắn. Ai nói tốt hay khen tặng con thì con vẫn bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc cho họ được hạnh phúc.
Câu bốn mươi mốt: Nói tốt, nói xấu hoặc khen-chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra hai tâm trạng; người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.
Câu bốn mươi hai: Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân Việt Nam giống như mọi người thôi. Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều đã có trên mạng.
Câu bốn mươi ba: Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác, con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy, hoặc tìm hiểu trong Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.
Câu bốn mươi tư: Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, Y áo vật thực hay cái gì đó. Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới , đó chính là bố thí pháp.
Câu bốn mươi lăm: Sáu năm qua, con không là nhân sự ở chùa nào, con không là Nam tông hay Bắc tông, con cũng không phải là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt được đến cảnh giới đó.
Câu bốn mươi sáu: Nhớ cha mẹ cũng chết, không nhớ cha mẹ cũng chết. Từ bỏ để học được cái đạo mình chết tốt hơn!