Thầy Thích Pháp Hòa sinh năm bao nhiêu, trụ trì chùa nào, quê thầy ở đâu?
Quý vị và các bạn thân mến! Thầy Thích Pháp Hòa là một trong số các nhà sư, được rất nhiều Phật tử đủ các lứa tuổi trong và ngoài nước biết tới, thông qua những bài thuyết giảng Phật Pháp rất chi tiết, rõ ràng. Thầy giảng Pháp với một phong cách rất hoan hỷ và gần gũi, bằng những kiến thức đã được chắt lọc trong nhiều năm tu hành. Thầy Thích Pháp Hòa luôn sẵn lòng chia sẻ và chỉ bảo tận tình, khi có Phật tử nào muốn tìm hiểu về Phật pháp, cho nên Thầy được đông đảo Phật tử trên khắp thế giới quí mến, kính trọng. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng, sẽ giúp quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về tiểu sử bản thân, quá trình tu hành và những bài giảng pháp hay nhất của thầy Thích Pháp Hòa, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Tóm tắt đôi nét về tiểu sử của Thầy Thích Pháp Hòa
Thầy Thích Pháp Hòa, hiện tại không rõ thế danh và ngày tháng sinh cụ thể, chỉ biết rằng thầy sinh vào năm 1974, tại quê hương Cái Răng, Cần Thơ, nước Việt Nam. Thầy Thích Pháp Hòa là người con lớn trong gia đình, dưới thầy là một người em trai. Năm thầy Pháp Hòa lên 6 tuổi, Cha của thầy đã xuất cảnh sang Canada. Sau đó, vào năm 1986, khi thầy Pháp Hòa lên 12 tuổi, thì thầy cùng Mẹ và em trai mới được Cha bảo lãnh sang Canada để cả gia đình đoàn tụ.
Ngay từ nhỏ, thầy Thích Pháp Hòa đã thể hiện là một người có căn duyên với Phật pháp. Cụ thể là năm 2017, trong một buổi thầy Thích Pháp Hòa thuyết giảng, có chủ đề về “Bốn loại ngã chấp”. Khi mở đầu buổi giảng pháp, để nói về thiện căn Bồ Đề ở trong mỗi con người, thầy Thích Pháp Hòa đã chia sẻ một câu chuyện từ hồi nhỏ của chính bản thân thầy.
Đó là, vào một ngày rằm tháng giêng năm 1980, khi thầy Pháp Hòa mới lên 7 tuổi, thầy đã được Thân Mẫu dẫn đi lễ chùa. Đây cũng là lần đầu tiên thầy Thích Pháp Hòa được đi lễ chùa, sau rất nhiều lần thầy năn nỉ Mẹ cho đi. Ngôi chùa hồi đó, nói đúng ra đây chỉ là một ngôi Tịnh Xá nhỏ, có tên là Chùa Ngọc Thuận, có địa chỉ tọa lạc tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, nước Việt Nam.
Tuổi còn nhỏ nên thầy Thích Pháp Hòa chưa hiểu chuyện, nhưng sau một hồi quan sát, thầy thấy rằng, ai tới Chùa cũng được gọi bằng một cái tên Pháp Danh rất hay. Thấy vậy, thầy Thích Pháp Hòa mới đi tới gần một vị Sư Già tại Chùa và nói hồn nhiên rằng, Sư ơi Sư, con cũng muốn có tên đẹp. Thấy vậy, vị Sư Già cười và nói với thầy Thích Pháp Hòa rằng, con hãy chắp tay quỳ xuống lạy Phật đi rồi Sư sẽ quy y cho con.
Thầy Thích Pháp Hòa đã làm theo lời Sư Già nói, thầy chắp tay rồi quỳ xuống lạy Phật, chính thức ngày hôm đó thầy Thích Pháp Hòa đã được quy y Tam Bảo, và được Sư Già đặt Pháp Danh cho thầy là Huệ Tài. Để nhận Pháp Danh, nhà Sư Già trụ trì đã ghi Pháp Danh đó lên một tờ giấy quy y nhỏ, trên tờ giấy có đề một bài thơ quy y, mà tới mãi sau này khi thầy kể lại, thầy Thích Pháp Hòa vẫn đọc từng câu từng chữ rất rành rọt:
Huệ Tài đáng khen trí minh quang,
Giữ giới quy y đắc vẹn toàn.
Ngũ giới cấm nhìn theo nẻo chính,
Tam quy trao luyện hết mê tà.
Trì trai niệm Phật chọn chuyên phúc,
Tu hành bố thí khỏi đọa xa.
Nay gặp đạo lành nhanh chở góp,
Nương về tam bảo đúng nhà ta.
Sau khi được Sư Già làm lễ quy y Tam Bảo xong, thầy Thích Pháp Hòa vẫn lém lỉnh thỉnh cầu với Sư Già thêm một tâm nguyện nữa, Sư ơi, quy y Tam Bảo rồi, bây giờ con muốn thờ Phật. Con muốn thờ Phật Thích ca, con muốn thờ Phật A Di Đà, con muốn thờ Phật Di Lặc và thờ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Sư Già thấy thầy Thích Pháp Hòa tuổi còn nhỏ nhưng lại rất có duyên với nhà Phật, nên về sau Sư Già cũng tìm đúng 4 bức hình Phật, như lời cậu bé thỉnh cầu và căn dặn thêm, con đã thờ Phật thì phải phát nguyện ăn chay 10 ngày trong mỗi tháng. Thầy Thích Pháp Hòa sau đó về nhà đã thực hành đúng theo như lời Sư Già dạy, thầy nhờ Thân Mẫu lập cho bàn thờ Phật ở tại gia, để hằng đêm thầy tập đọc kinh, cúng dàng.
Không chỉ thế, mà hằng tháng nhà Chùa sẽ tổ chức 4 ngày cúng hội, thì thầy Thích Pháp Hòa đều rất nhớ để qua. Lần nào đến Chùa thầy cũng sẽ tới lạy Phật Quán Thế Âm Bồ Tát trước tiên, rồi xin bao sái tượng Phật và cầu xin Phật gia hộ cho mình được tu tập thật giỏi. Nhờ thế, thầy Thích Pháp Hòa đã được các nhà Sư trong Chùa hết lòng quý mến, cho thầy đọc sách, và dạy thêm cho thầy nhiều nghi thức trong nhà Phật. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ chăm chỉ siêng năng học tập mà thầy Thích Pháp Hòa đã đọc thuộc lòng rất nhiều cuốn Kinh sách quý, như Nghi thức tụng niệm và Kinh A di đà…
Năm 1989, lúc này thầy Thích Pháp Hòa đã định cư bên Canada cùng Bố Mẹ được 3 năm. Tuy là sống ở nước ngoài nhưng thói quen đi lễ Chùa, đọc Kinh sách Phật, thầy Pháp Hòa vẫn duy trì rất đều đặn. Nhờ vậy mà đến năm thầy Thích Pháp Hòa 15 tuổi, khi cửa Thiền đã kết đủ duyên lành, thầy Thích Pháp Hòa đã chính thức xuống tóc xuất gia, tu tập dưới sự dẫn dắt của thầy Bổn sư Thích Thiện Tâm. Hiện tại Hòa thượng Thích Thiện Tâm đang là Viện Chủ Tu Viện Trúc Lâm và Tu Viện Tây Thiên ở Canada.
Năm 1994, khi này thầy Thích Pháp Hòa đã tròn 20 tuổi, trong một sự kiện Đại Giới Đàn Hương Tích của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tại làng Mai, nước Pháp, thầy Thích Pháp Hòa chính thức được thọ ký Tỳ Kheo.
Năm 1999, thầy Thích Pháp Hòa rất vinh dự được Thiền Sư Thích Nhất Hạnh truyền Đăng với bài kệ pháp:
Pháp đã trao tâm từ vàng thuở,
Hào quang tiếp độ cả quầng sân.
Sen nở rạng ngời tròn không nhiễm,
Độ hết mười phương chốn hữu tình.
Thầy Thích Pháp Hòa có khả năng tự tu tập và trau dồi kiến thức rất tốt, kết hợp với tài năng đức độ của bản thân, cho nên thầy Thích Pháp Hòa đã có được rất nhiều bước tiến lớn trên con đường Phật sự. Tới năm 2006, thầy Thích Pháp Hòa đã chính thức được tấn phong làm trụ trì tại Trúc Lâm Thiền Viện, Tu Viện Trúc Lâm Canada. Sang đến năm 2007, thầy Thích Pháp Hòa được giao thêm trọng trách mới đó là, làm trụ trì Tây Phương Thiền Viện, đồng thời thầy Pháp Hòa được bầu làm Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Điều Tra Phật Học Edmonton, tại Canada.
Thầy Thích Pháp Hòa luôn có ấn tượng tốt nhất trong lòng các Phật tử
Thầy Thích Pháp Hòa là một trong những nhà sư trẻ, đã được đông đảo Phật tử trong nước và kiều bào đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới yêu quí, mến mộ. Tuy không phải ai cũng có đủ cơ duyên, để gặp được hoặc được nghe Thầy giảng Pháp trực tiếp. Nhưng thông qua mạng internet, những bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa, chắc hẳn ai cũng cảm thấy rất ấn tượng, bởi diện mạo, phong thái điềm đạm, từ tốn, và chất giọng truyền cảm rất nhẹ nhàng của thầy.
Nhờ tu học Phật pháp ngay từ khi còn nhỏ, cùng với tấm lòng tôn kính thiết tha phụng sự Tam Bảo, thầy Thích Pháp Hòa đã miệt mài tu tập và thường xuyên thuyết giảng, đem Phật Pháp đến gần hơn với hàng vạn Phật tử gần xa. Chủ đề Thầy thuyết giảng rất tinh túy, đề cập tới nhiều khía cạnh trong đời sống thường nhật. Trong các bài thuyết giảng, dù mở đầu bằng chủ đề gì thì thầy Pháp Hòa cũng vẫn rất sáng tạo, khéo léo sắp đặt ngôn từ và tinh thần Phật Pháp trong chủ đề đó một cách rất sâu sắc, nhưng Phật tử vẫn cực kỳ dễ hiểu và dễ tiếp cận. Chính nhờ những bài thuyết giảng nổi tiếng như bài giảng; Sống Đơn Giản Khó Hay Dễ? Được thầy Thích Pháp Hòa diễn giải như sau…
Khi chúng ta gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc sống, mọi người thường hay đổ lỗi tại hoàn cảnh. Nhưng thầy Thích Pháp Hòa lại giảng rằng, trong kinh Đức Phật đã dạy, chúng sinh khổ không phải vì hoàn cảnh, mà vì phiền não, vô minh cho nên chúng sinh mới khổ. Tự chúng ta làm khổ bản thân mình nhưng lại không nhận thức được điều đó. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề với một cái tâm đố kỵ, ganh ghét thì chúng ta nhìn ai cũng thấy xấu xa, nhìn ai cũng thấy họ lầm lỗi. Chúng ta nhận thức sự việc sai lầm sẽ dẫn tới hành vi sai lầm, khi đại sự không thành tự khắc bản thân sẽ thấy khổ. Sống đơn giản – khó hay dễ, là do chính bản thân của mỗi người quyết định. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, sáng suốt, không còn vô minh, phiền não thì mọi đau khổ sẽ tự biến mất, khi đó hạnh phúc, an lạc sẽ luôn hiện diện trong mỗi chúng ta.
Bài giảng, An Trú Trong Hiện Tại.
Với bài giảng này được thầy Thích Pháp Hòa giảng rằng; An Trú Trong Hiện Tại, có nghĩa là chúng ta hãy dừng lại một cách an ổn trong từng giây phút của hiện tại. Để an trú trong cuộc sống hiện tại, chúng ta phải biết quý trọng ngày hôm nay. Phải biết tìm kiếm được hạnh phúc và sự bình an trong cuộc sống hiện tại luôn đầy cám dỗ. Trong đạo Phật, có rất nhiều cách để an trú, đặc biệt chúng ta phải biết đến, “Tam Thường Bất Túc”, có nghĩa là để được an yên thì chúng ta phải có 3 thứ không bao giờ đủ đó là, “Ăn – Ngủ – Mặc.”
Và còn rất nhiều buổi pháp thoại khác như; “Khó Dễ Trong Đời” , “Buông” , “Số và Nghiệp” , “Hiểu Sâu Thương Lớn”. Qua những bài giàng này, thầy Thích Pháp Hòa đã giúp cho đa số Phật tử, tháo gỡ được những điều còn đang bối rối trong cuộc sống nhân sinh. Thầy giúp Phật tử có thêm điểm tựa, vững tin vào những điều thiện lành trong cuộc sống, tự tu sửa mình, biết cách đối diện với những điều đang còn bế tắc để sống an nhiên, được nhiều lợi lạc.
Giới thiệu về Tu Viện Trúc Lâm Canada nơi thầy Thích Pháp Hòa làm trụ trì
Tu Viện Trúc Lâm là cơ sở đầu tiên của Viện Phật Học Canada, tọa lạc tại thành phố Edmonton, quốc gia Canada, từ tháng 6 năm 1989.
Khi mới được xây dựng, Tu viện Trúc Lâm tọa lạc ở địa chỉ số 10604, 108 Street, là một tòa công trình với 3 tầng và 9 phòng. Tại đây đã diễn ra rất nhiều hoạt động sinh hoạt Phật Sự, như tu học, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và giáo dục Phật Học.
Tới năm 1992, cơ sở này đã được bán lại để chuyển đến một địa chỉ mới đó là, một nhà thờ cũ rộng rãi hơn tại số 10155, 89 Street, thành phố Edmonton, quốc gia Canada.
Năm 1996, Viện Phật Học đã quyết định xây mới Tu Viện, tại một khu đất rộng hơn ở khu trung tâm thành phố Edmonton. Đó chính là Tu Viện hiện tại, nơi mà thầy Thích Pháp Hòa hiện đang làm trụ trì, tọa lạc tại số 113288, 97 Street, thành phố Edmonton, quốc gia Canada. Từ khi được xây dựng Tu Viện Trúc Lâm cho tới nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt Phật pháp quen thuộc và gần gũi với rất nhiều kiều bào Việt Nam xa xứ.