Tiểu sử cuộc đời Hòa thượng Thích Huyền Diệu người có công xây chùa Việt tại Ấn Độ và Nepal
Quý vị và các bạn thân mến! Nếu quý vị có dịp đến thăm Ấn Độ và Nepal, hoặc một số quốc gia đạo Phật ở châu Á như Sri Lanka, Myanmar,… Chắc chắn quý vị sẽ không thể bỏ qua một số công trình do Hòa thượng Thích Huyền Diệu, đã đóng góp công sức to lớn để xây dựng, tôn vinh Phật giáo của Việt Nam tại ngoại quốc. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử bản thân, đạo nghiệp tu hành và những thành tựu to lớn đạt được của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Tóm tắt đôi nét về tiểu sử xuất gia của Hòa thượng Thích Huyền Diệu
Hòa thượng Thích Huyền Diệu có thế danh là Lâm Trung Quốc, ngài sinh vào năm 1946, tại Ba Tri, thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay. Ngài sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh ở một vùng nông thôn Việt Nam, ngài không được may mắn cắp sách đến trường đi học, như các bạn trẻ khác sống ở thành phố hoặc những nơi an toàn hơn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngài đã được đưa về ở tạm nơi nhà bà ngoại để có thể đi học chữ với thầy giáo trong làng.
Cuộc chiến tranh Việt Nam và Pháp diễn ra vô cùng dữ dội, khiến cho Hòa thượng Thích Huyền Diệu lại phải theo ba má đi chạy giặc nay đây mai đó. Chiến tranh mỗi ngày mỗi lan rộng và kéo dài hơn, dân chúng chạy loạn càng lúc càng đông, khiến ngài không bao giờ quên được những cảnh khổ cực, nghèo đói, sợ hãi của mọi người. Đến khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình tạm thời trở lại, ngài mới lại may mắn được cắp sách đến trường.
Hòa thượng Thích Huyền Diệu từng chia sẻ rằng, ngài vốn là một đứa bé rất tầm thường, chỉ số thông minh thuộc vào loại thấp kém, trí nhớ khá yếu, có lẽ vì bản thân ngài bị mắc nhiều chứng bệnh nan y ngay từ khi còn nhỏ. Điều đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến trí tuệ và nhận thức của ngài. Tuy thua kém nhiều mặt so với các bạn cùng trang lứa, thế nhưng ngài vẫn luôn luôn cố gắng học tập để tri ân công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Ngay từ lúc nhỏ, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã có niềm tin rất lớn vào lòng từ của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi khi gặp điều gì khó khăn, ngài thường niệm Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Cuối cùng, ngài đã quyết định trông cậy tất cả vào Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, dẫn đường chỉ lối. Nhiều ngày trước khi ra đi, ngài đã đem những hình Phật, ông Tiên bà Tiên mà ngài đã sưu tập từ lâu, rồi âm thầm cầu nguyện để chuyến đi trốn khỏi nhà thành công tốt đẹp. Khi ngài rời khỏi nhà chỉ vỏn vẹn có một bộ đồ trên mình, không có một đồng tiền cắc bạc nào giắt lưng.
Khi bỏ nhà lang thang, Hòa thượng Thích Huyền Diệu lâm vào cảnh đói rách, khổ sở,… Đúng lúc tuyệt vọng nhất thì phép màu nhiệm đầu tiên đã đến với ngài. Trong lúc lần đường tìm về nhà cha ở tỉnh Bến Tre, khi tới phà Mỹ Tho, ngài vừa bước xuống thì gặp một vị sư thầy mặc áo nâu. Vị sư thầy đó kêu tên thật của ngài thật lớn khiến cho ngài vô cùng ngạc nhiên.
Giương đôi mắt lấp lánh tràn đầy sự ngạc nhiên, thầy Thích Huyền Diệu gặng hỏi: “Thầy là ai ạ? Con chưa từng gặp thầy bao giờ, sao thầy lại biết tên con?”. Vị sư thầy cười đáp: “Thầy là thầy Hoằng Nhơn, trụ trì chùa Mai Sơn trên núi Thất Sơn, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Thầy đợi con ở đây đã mấy ngày rồi. Hãy về chùa với thầy”. Bỗng dưng bị thu hút một cách huyền bí, ngài vội đi theo thầy Hoằng Nhơn như thể thầy là người thân duy nhất trong gia đình.
Hai thầy trò cùng nhau băng qua nhiều cánh đồng, đồi núi, cuối cùng thì cũng tìm được đến chùa Mai Sơn. Chùa Mai Sơn tọa lạc ẩn mình trong một rừng mai. Vào mùa xuân, hoa mai nở khiến cho khắp núi rừng trở thành một biển mai vàng rực vô cùng đẹp mắt. Cảnh sắc xung quanh chùa vô cùng sơn thủy hữu tình, thơ mộng như cõi bồng lai tiên cảnh. Chùa nằm cheo leo trên sườn núi cho nên rất u tịch, quanh năm không thấy một bóng người. Thầy trò ngài khi đó phải cấy lúa, trồng ngô, trồng các cây ăn quả đem bán để lấy tiền trang trải cuộc sống đạm bạc.
Được nương náu nơi cửa chùa, thú vui lớn nhất của Hòa thượng Thích Huyền Diệu khi đó là được đọc truyện Tây Du Ký. Ngài trở nên say mê theo dõi hành trình đến đất Phật thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới, đến độ nhiều khi bỏ cả việc cơm nước. Ngài đã dành rất nhiều thời gian, công sức sưu tầm tất cả tư liệu hình ảnh về các nhân vật này.
Mỗi khi nghe sư thầy ân sư nói chuyện về đất Phật, về vùng Hy Mã Lạp Sơn, trong lòng ngài lại bồi hồi, náo nức. Ngài chỉ ước ao được một lần trong đời được đặt chân đến vùng đất địa linh nhiều huyền thoại ấy, thực hiện nhiều thứ mà bản thân ngài đã ấp ủ.
Quá trình mua đất dựng chùa của Hòa thượng Thích Huyền Diệu
Năm 1969, khi hòa thượng Thích Huyền Diệu vẫn còn đang là sinh viên theo học tại Đại học Nantes và Sorbonne của Pháp, ngài đã đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. Quỳ dưới Kim Cang tọa. Bỗng trong lòng ngài trào dâng một niềm xúc động vô bờ, bởi ước nguyện của cuộc đời ngài từ thời niên thiếu dường như đã thành sự thật. Khi được chứng kiến rất nhiều ngôi chùa của các nước phát triển hiện hữu trên thánh địa Phật giáo, ngài lại không khỏi chạnh lòng khi chưa thấy được ngôi chùa nào của Việt Nam xuất hiện tại đây.
Dành dụm từng đồng tiền mà ngài kiếm được khi đi dạy học và nhận được sự ủng hộ tích cực của các học trò tới từ Âu – Mỹ. Vào năm 1987, trải qua bao khó khăn trắc trở, cuối cùng Hòa thượng Thích Huyền Diệu cũng đã mua được miếng đất chỉ rộng có 450m2, trong khi những ngôi chùa của một số nước khác rộng đến hàng ngàn mét vuông, do họ nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ của nước đó.
Tại Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 80, sau hai cuộc chiến tranh, tình hình kinh tế của người dân trong nước vẫn còn rất đói nghèo. Nền Phật giáo vào giai đoạn này chưa được chấn hưng, tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ khi đó, cộng đồng người Việt chỉ có một mình Hòa thượng Thích Huyền Diệu, cho nên việc xây chùa tại Ấn Độ, ngài gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Huyền Diệu lại gặp được cơ duyên không ngờ tới, khi mà lần lượt những chủ đất xung quanh đã đồng ý bán lại đất cho ngài. Dần dần tích tiểu thành đại, diện tích đất để xây dựng nên ngôi chùa Việt đầu tiên ở Ấn Độ đã lên đến 30.000 m2.
Ngày 24/5/1987, Hòa thượng Thích Huyền Diệu bắt đầu khởi công xây dựng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, tọa lạc tại Bodh Gaya, Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ. Để thực hiện ước mơ to lớn trong cuộc đời mình, ngài đã không ngại gian nan khó nhọc, thậm chí ngài còn tự tay bẻ sắt, đúc móng làm chùa. Rồi tự tay ngài trồng những bông sen, bông súng, rồi tự tay ngài đóng những vật dụng sinh hoạt trong chùa. Khắp nơi trong chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, từ cổng trước, cổng sau, chánh điện cho đến nhà Tăng, đi đâu cũng gặp hình tượng đất nước Việt Nam với tấm bản đồ nhỏ, màu nâu đậm khắc nổi lên tường.
Trong chùa có đại hồng chung nặng 2,5 tấn và trống sấm đường kính 2m. Cả hai pháp khí này, đều được Hòa thượng Thích Huyền Diệu đặt làm bởi các nghệ nhân Việt Nam, mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống quê hương đất nước.
Ngoài tòa chính điện trang nghiêm, trong chùa còn có tháp Vạn Phật bảy tầng và Quan Âm đài, mô phỏng hình dáng chùa Một Cột ở Việt Nam, nhưng quy mô lớn hơn.
Nhiều tảng đá lớn trong chùa được khắc tạc những bài thơ cổ thời Lý, Trần. Các nhu yếu phẩm hoạt động và sinh hoạt trong chùa, đều được Hòa thượng Thích Huyền Diệu tự cấp từ những mảnh ruộng gần chùa như lúa, gạo, rau xanh, trái cây. Ngoài ra, Hòa thượng Thích Huyền Diệu còn có sở thích sưu tầm, gây giống một vườn hoa lá cây cảnh gồm những giống cây và hoa từ Việt Nam mang sang như, thiên lý, đào, tre, trúc, lan,… các loại.
Khi ước nguyện lớn nhất được thực hiện, Hòa thượng Thích Huyền Diệu tiếp tục thực hiện ước nguyện thứ hai. Đó là, trong một ngày đầu xuân năm 1969, lần đầu tiên ngài đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật giáng sinh, tại Nepal. Ngài cảm thấy bàng hoàng buồn lòng da diết, khi thấy một Thánh Địa của Phật giáo lại bị để điêu tàn hoang phế, thậm chí còn bị người dân bản địa phóng uế bừa bãi.
Ngài đi quanh Thánh Địa một vòng rồi thầm khấn nguyện, nếu quả thật nơi đây linh thiêng và là nơi đức Phật giáng sinh, con nguyện xin được nhìn thấy Thánh Địa phát triển trước khi con nhắm mắt rời khỏi cõi đời này. Sau đó, một số đệ tử học trò của ngài đang làm việc tại các cơ quan quốc tế, muốn được chia sẻ nỗi niềm này cùng ngài, nên đã âm thầm vận động trong suốt mười mấy năm, cho ước nguyện làm sống lại Lâm Tỳ Ni của Hòa thượng Thích Huyền Diệu.
Cho đến năm 1993, nhờ vào ước nguyện và những việc làm rất tâm thành của ngài cùng các đệ tử học trò thân hữu, nên được Quốc Vương Birendra và Chính phủ Vương Quốc Nepal chấp thuận, cấp cho Hòa thượng Thích Huyền Diệu mảnh đất tại Lâm Tỳ Ni, để xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự thứ hai. Đây cũng là ngôi chùa quốc tế đầu tiên, tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật Thích Ca giáng sinh.
Hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự này, đã góp thêm phần tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tại quê nhà rất thiêng đối với Phật giáo quốc tế. Tại Bồ Đề Đạo Tràng, từ ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tiên phong, do Hòa thượng Thích Huyền Diệu kiến thiết xây dựng, đến nay đã có thêm bốn ngôi chùa Việt khác được dựng trên vùng Thánh Địa này.
Hòa thượng Thích Huyền Diệu từng từ chối giải Nobel Hòa Bình
Hòa thượng Thích Huyền Diệu với uy tín của mình, cùng hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, tại Ấn Độ và Nepal, ngài đã được bầu làm quản trị Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni. Kể từ sau vụ thảm sát nội chiến hoàng cung năm 2002, tại Nepal, quốc gia này đã lâm vào cảnh nội chiến triền miên. Đến năm 2005, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã gửi thư cho nhà vua, cùng ban chỉ huy những đảng phái chính trị ý kiến, ngài đã đề nghị kiến lập tự do cho khu vực Lumbini nói riêng và quốc gia Nepal nói chung.
Chính nhờ lá thư tận tâm của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, đã có một tiếng vang vô cùng lớn trong dư luận và một lần nữa hình ảnh Việt Nam, được tôn vinh trong giới Phật giáo quốc tế. Hòa thượng Thích Huyền Diệu, đã từng được Chính phủ Nepal đề cử giải Nobel Hòa bình, nhưng ngài đã từ chối nhận đón nhận giải thưởng to lớn và ý nghĩa này.
Tóm tắt những thành tựu to lớn mà Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã đạt được
Hòa thượng Thích Huyền Diệu đạt được những thành tựu sau đây:
– Nguyên chủ nhiệm tờ Nhật báo Gió Nam. (Nhưng chỉ một năm sau đó, do tờ báo này tố cáo tội ác của Mỹ Sơn, Mỹ Lai trước toà án Hoa Kỳ, phiên xét xử vào ngày 21/12/1969, ủy quyền cho luật sư Paul Martin King, đại diện quyền lợi nạn nhân, sau đó bị đình chỉ xuất bản).
– Tiến sĩ khoa thần học tại Đại học Sorbonne, Pháp.
– Khai sơn và trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, tại Bodh Gaya, Ấn Độ.
– Khai sơn và trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, Lumbini, (Lâm Tỳ Ni), Nepal
– Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni.
– Từng được Chính phủ Nepal đề cử giải Nobel Hòa bình, nhưng Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã từ chối.
– Người khởi xướng đầu tiên, kêu gọi cộng đồng Phật giáo thế giới, khôi phục các thánh tích Phật giáo tại hai quốc gia Nepal và Ấn Độ.
– Người có công đầu thuyết phục phe du kích quân Maoist và Chính phủ Nepal ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp ước hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 10 năm, làm hơn 14.000 người thiệt mạng.