Tiểu sử đạo nghiệp tu hành của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc một vị thiền sư vĩ đại
Quý vị và các bạn thân mến! Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc là một vị Thiền sư, một vị chân tu vô cùng nổi tiếng. Ngài là người đóng góp công sức to lớn cho Tu Viện Chơn Như, nơi ngài trụ trì. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc cũng là người đóng góp công sức to lớn, trong công cuộc phục hưng nền Phật giáo nguyên thủy tại Việt Nam. Ngài còn được đông đảo chư Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước biết tới, bởi quá trình tu hành của ngài suốt 49 ngày không hề ăn một hạt cơm hay uống một giọt nước, trong thời gian ngài nhập định. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử bản thân, quá trình tu hành và những thành quả đạt được trong đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc, một vị Thiền sư chân tu vĩ đại, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Đôi nét về tiểu sử của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc có thế danh là Lê Ngọc An, ngài sinh vào ngày 10/4 năm Mậu Thìn, (âm lịch), tức ngày 28/5/1928, (dương lịch), tại quê ngoại của ngài, đó là số 18, thôn Vườn Trầu, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, (tức Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ngài Thích Thông Lạc là người con thứ tư trong gia đình có rất đông anh, chị, em, ngài sinh sống và lớn lên tại chùa Am, thuộc Ấp Gia Lâm, Xã Gia Lộc, Huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh. Lúc nhỏ, ngài Thích Thông Lạc thường thích theo Cha học hỏi tu hành, nên đã được Cha của ngài đặt cho pháp danh là Thích Từ Ân.
Thân Phụ của ngài là cụ ông Lê Văn Huấn, có pháp danh là Thích Thiện Thành, làm trụ trì đời thứ tư tại chùa Am. Cha của ngài vốn là một thầy thuốc Đông y, thường chữa bệnh cứu giúp cho mọi người. Vì thế, chùa Am đã được xem như một trạm y tế giữa chốn cửa Phật từ bi, hằng ngày bệnh nhân thập phương lui tới thăm khám, trị bệnh đông như ngày hội.
Thân mẫu của ngài là cụ bà Nguyễn Thị Nhung, pháp danh là Thiện Tâm, cụ bà là một tín nữ nhất tâm sớm tối đèn hương nơi cửa Phật, hằng ngày giúp công việc bếp núc, quét dọn tại chùa Am.
Cuộc đời tu hành và đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc
Vào năm 1936, khi ngài Thích Thông Lạc vừa tròn 8 tuổi, ngài đã được Cha Mẹ cho xuất gia theo Hòa thượng Thích Huệ Tánh, trụ trì Chùa Phước Lưu, tọa lạc tại thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, và được thầy Bổn Sư ban cho ngài pháp danh là Thích Thông Lạc.
Vào giai đoạn đầu khi mới tu hành, ngài đã được Hòa thượng Huệ Tánh, Hòa thượng Long An, Hòa thượng Thiện Tài, Hòa thượng Thiện Hòa, các vị Hòa thượng đã trực tiếp chỉ dạy ngài kinh điển và Hán học.
Ngài Thích Thông Lạc đi học Phổ thông rất muộn, từ năm 16 tuổi đến năm 25 tuổi, ngài mới học xong Trung học đệ nhất cấp, ngài học rất giỏi và luôn đạt thành tích học sinh xuất sắc, trong suốt quá trình từ những năm học Tiểu học đến hết Trung học.
Năm 1953, khi này ngài Thích Thông Lạc đã 25 tuổi, ngài được Hòa thượng Quảng Chánh giới thiệu ngài tới chùa Ấn Quang để học khóa Tú Tài. Sau đó, Hòa thượng Thiện Hòa còn gửi ngài vào Trường Cao Đẳng Phật Học Viện Huệ Nghiêm và Đại Học Vạn Hạnh để đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức về Phật pháp.
Trong quá trình tu học, ngài Thích Thông Lạc đã xin đi dạy thêm Pháp văn, cho các Tăng ni trẻ tuổi tại trường Bồ Đề Chợ Lớn, để tự túc sinh sống và trang trải học phí trong những năm học Đại học.
Năm 1969, ngài Thích Thông Lạc đã hoàn thành xuất sắc chương trình Cử Nhân Phật học, tại Trường Đại Học Vạn Hạnh. Cùng năm 1969, ngài Thích Thông Lạc được cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề, tại Định Tường, Mỹ Tho. Trong những năm ngài Thích Thông Lạc là sinh viên, ngài đã từng tham gia hoạt động cách mạng, trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước.
Đến cuối năm 1969, ngài Thích Thông Lạc được tin Cha của ngài bị bệnh nặng. Ngay lập tức ngài đã trở về Trảng Bàng để có thể chăm sóc và nuôi dưỡng Cha. Đầu năm 1970, sau ba tháng ngài tận tình chăm sóc Cha, nhưng vì bệnh trọng nên Cha của ngài đã qua đời. Do tận mắt chứng kiến cảnh người Cha ốm yếu, bệnh tật rồi qua đời. Khi này ngài Thích Thông Lạc đã có suy nghĩ rằng, cuộc đời này chẳng có gì cả, chỉ toàn là đau khổ, vậy tại sao chúng ta cứ phải chạy theo danh lợi để làm gì?
Sau khi lo chu tất hậu sự cho Cha xong, ngài Thích Thông Lạc quyết tâm rời bỏ danh lợi thế gian, và quyết trí tu hành cho mau chứng đắc, để tìm người Cha sau khi từ giã cõi đời này thì Cha hiền đã đi về đâu? Mặc dù lúc này Hòa thượng Thiện Hòa đang muốn gửi ngài sang Nhật Bản, để tiếp tục trên con đường học vị Tiến sĩ, nhưng ngài chỉ muốn tu chứ không còn muốn điều gì khác trong lúc này.
Thu xếp mọi chuyện xong xuôi, ngài Thích Thông Lạc lại tiếp tục khoác áo tu hành và quyết tâm giành lại quyền làm chủ sanh tử cho bản thân. Đây cũng chính là bước ngoặt lịch sử của một bậc chân tu, biết làm chủ sanh, lão, bệnh, tử xuất thế, phục hưng lại chánh pháp nguyên bản của Đức Phật Thích Ca sau này.
Cùng năm đó, khi nghe tin Thiền sư Thích Thanh Từ xây dựng Thiền Viện Chơn Không để mở lớp tu Thiền, Hòa thượng Thiện Hòa đã viết thư giới thiệu ngài Thích Thông Lạc tới Thiền Viện Chơn Không để xin nhập Thiền Viện. Sau khi gặp Thiền sư Thích Thanh Từ, ngài tự mình xin nhập học và được Thiền sư chấp nhận, sau đó ngài mới trình thư của Hòa thượng Thiện Hòa, điều này đã khiến cho Thiền sư Thích Thanh Từ rất hài lòng.
Sau ba tháng an cư kiết hạ tại Thiền Viện Chơn Không, ngài được Thiền sư Thích Thanh Từ chỉ dạy pháp môn tri vọng, ngài Thích Thông Lạc tinh tấn tu tập không giây phút nghỉ ngơi, với một niềm tin vững chắc hết vọng tưởng là sẽ thành công.
Rời Thiền Viện Chơn Không, ngài Thích Thông Lạc tìm đến đỉnh Ma Thiên Lãnh, tại Hòn Sơn, ngoài vịnh Hà Tiên, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, ngài Thích Thông Lạc sống trong hang đá, đói thì ăn lá cây rừng, khát thì uống nước suối, một mình ngài tu hành khổ hạnh suốt trong thời gian chín tháng. Thế nhưng, trong lòng của ngài vẫn luôn thấy nhớ mẹ, nhớ quê nhà không nguôi, do đó mà ngài Thích Thông Lạc quyết định quay trở về Trảng Bàng, Tây Ninh, sống bên mẹ và tiếp tục quá trình tu hành.
Sau khi về chùa Am, tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ngài Thích Thông Lạc nói với Mẹ già, Mẹ ráng nuôi con mỗi ngày một bữa, cả đời này con sẽ quyết trí tinh tấn tu hành. Nghe ngài nói vậy, nên Mẹ của ngài dâng trào xúc động mà không cầm được nước mắt.
Ngài Thích Thông Lạc đóng cửa Thất miệt mài tu tập trong suốt 9 năm trời, theo pháp môn tri vọng, nhưng do không hợp căn cơ nên ngài Thích Thông Lạc đã không thấy được sự giải thoát vốn có trong đạo Phật. Ngài thấy tâm mình vẫn còn tham, sân, si, thậm chí ngài còn thấy tham, sân, si, nhiều hơn cả lúc chưa tu tập. Trong suốt 10 năm tu tập khổ hạnh, nhưng ngài vẫn không làm chủ được sanh, lão, bệnh, tử. Ngài Thích Thông Lạc đã có ý định buông xuôi bản thân mình vì quá thất vọng, nhưng chợt nhớ đến Mẹ già hơn 90 tuổi vẫn hằng ngày hộ Thất cho mình tu tập, nếu ta làm vậy thì quả là đứa con bất hiếu.
Thật diệu kỳ, khi ngài tìm được bộ kinh Nikaya, do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt, ngài Thích Thông Lạc đã dày công nghiên cứu rất kỹ lưỡng, rồi tự mình tu tập cho đúng Chánh pháp. Trong 6 tháng tu tập xả tâm suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, cuối cùng ngài nhập định mà không hề ăn uống suốt trong 49 ngày, đến giữa đêm ngày 9/9 năm Canh Thân, (âm lịch), tức đêm ngày 17/10/1980, (dương lịch). Ngài Thích Thông Lạc đã giác ngộ và chứng đắc, ngài hoàn toàn làm chủ sanh, lão, bệnh, tử. Nghĩa là mọi dục lạc tại thế gian không thể cám dỗ được ngài, bệnh tật, già yếu lụ khụ không còn tác động được vào tâm của ngài nữa, sống hay chết là tùy ý của ngài.
Sau đó, ngài Thích Thông Lạc đã hướng dẫn Mẹ của ngài tu tập theo đúng Chánh pháp, chỉ sau 3 tháng, vào cuối năm 1980, Mẹ của ngài đã thanh thản vãng sanh trong an nhiên tự tại. Từ đây, ngài Thích Thông Lạc hoàn toàn chuyên tâm vào việc chấn hưng Phật pháp, theo đúng Chánh pháp mà bản thân đã trải nghiệm và giác ngộ.
Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng Thích Thông Lạc, đã trải dài suốt 44 năm với đầy những khó khăn, gian nan, thử thách. Những sóng gió của chùa Am xưa và nay là Tu Viện Chơn Như, thế nhưng ngài Thích Thông Lạc vẫn luôn vững tay chèo, với tâm bất động, để có thể chèo lái đưa Tu Viện Chơn Như đến với bến bờ bình an. Nhờ thế, Tu Viện Chơn Như ngày càng phát triển, đứng sừng sững hiên ngang, trở thành điểm tựa niềm tin vào Phật giáo vững chắc của đông đảo chư Tăng ni, Phật tử từ khắp nơi trên cả nước.
Đúng giữa giờ Tý, ngày 21/11 năm Nhâm Thìn, (âm lịch), tức lúc 00 giờ, ngày 2/1/2013, (dương lịch), Thiền sư, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc đã nhập diệt vào Niết Bàn, sau khi giao phó trọng trách cho các thế hệ đệ tử kế cận, tiếp tục sứ mạng giữ gìn Chánh pháp của đạo Phật nguyên thủy.
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc trụ trì ở chùa nào?
Trước khi viên tịch, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc đã từng có quãng thời gian sinh sống, tu hành và làm trụ trì tại Tu Viện Chơn Như, tức chùa Am ngày xưa. Đây là Tu Viện tọa lạc tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Khi du khách đi tới Ngã Ba Trảng Bàng, cứ việc hỏi người dân bản địa rằng, chùa Am tọa lạc ở đâu, nhất định họ sẽ chỉ dẫn rõ ràng cho du khách vào tới cổng Tu Viện Chơn Như. Du khách rẽ vào ngõ nhỏ và đi tới một chợ nhỏ, ở ngã ba đầu đường tỉnh lộ số 7, thì cứ đi theo đường này và đi chừng hơn một cây số, sẽ có một đường đất đỏ nhỏ vừa cho một chiếc ô tô 7 chỗ chạy vào.
Tiếp tục đi qua khỏi xóm nhà dân, du khách nhìn về phía tay trái, đi tiếp qua mấy thửa ruộng, sẽ thấy một khu rừng cây xanh cao tầm 30 – 40 mét, đó chính là Tu Viện Chơn Như, với cánh cổng sắt cũ kỹ và một bảng đá nhỏ ghi, “TU VIỆN CHƠN NHƯ”, được gắn chắc chắn vào một cột cổng của Tu Viện.
Bước vào bên trong, trước mắt du khách sẽ nhìn thấy khá nhiều những am Thất nho nhỏ, xinh xắn, nằm bên trên đó là những am Thất được lợp bằng tầm vông vách liếp, lợp tole phối hợp tấm fibro với góc mái vuốt cong lên theo dạng mái của các chùa xưa. Mỗi am Thất là một nơi tạm cư cho một tu sinh sống và tu hành bên trong.
Từ cổng đi thẳng vào là nhà khách của Tu Viện. Nhà khách cũng làm bằng tầm vông vách liếp mái tole có một bộ bàn 8 ghế, kiểu bàn của phòng ăn, và hai bên là hai ghế đá mài, giống loại ghế đá ngoài công viên. Nơi đây Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc thường dùng làm nơi tiếp khách. Ngồi trong nhà khách nhìn ra, phía trái là một bức tượng Đức Phật Khổ Hạnh, những bia đá ghi lời Phật dạy căn bản. Nhìn xa hơn chút nữa là bức tượng Phật nhập Niết Bàn, đứng trên một bệ đá cao là bức tượng Phật đi khất thực và cạnh đó là Điện thờ, cũng được lợp bằng tầm vông mái tole, trong đó có tượng Đức Phật Tịnh Tọa và hai bên tả hữu là tượng Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên.
Đằng sau khu nhà khách là nhà khu bếp chuyên để nấu ăn. Những người lo nấu ăn ở Tu Viện cũng là những Tăng ni đang tu hành, hoạt động công quả trong sự quán xuyến của cô Út Diệu Quang, em gái của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc. Cô Út Diệu Quang là người đã hy sinh hết cuộc đời để nuôi chư vị Tăng ni, cư sĩ nam nữ về đây học đạo. Nếu quý du khách đến tham quan Tu Viện từ 10 giờ sáng, sẽ thấy các vị tu sinh lần lượt từ các Am Thất của mình, ra đây để thọ nhận thực phẩm chay tịnh đã được cô Út Diệu Quang bày trong những chiếc mâm cá nhân. Quý du khách cũng được cô Út Diệu Quang niềm nở mời dùng bữa ăn đạm bạc giống như các tu sinh ở đây.
Phía bên phải của nhà khách, cách sau các Thất, là những văn phòng làm việc của Tu Viện, nơi bộ sách Đường Về Xứ Phật và các kinh sách khác được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc biên soạn. Đi sâu vào trong là Tổ Đường với Tượng “TỔ TUYẾT SƠN”, (tượng Phật Khổ Hạnh), được lát nền gạch bông, mái tole vách liếp, tầm vông. Tiếp đó rải rác, ẩn hiện khắp nơi trong rừng cây tràm và bạch dương cao ngất tại Tu Viện Chơn Như, là những Am Thất của những tu sinh được nối liền với nhau bằng những con đường đất nhỏ xinh xắn rất sạch sẽ, lúc nào cũng có bóng cây che mát dịu, cho dù đó là những trưa hè nắng chói. Khu Am Thất của nữ tu sinh, vì vấn đề an ninh, các Thất tương đối gần nhau hơn so với khu Thất của nam tu sinh.
Mỗi Am Thất đều có nhà vệ sinh riêng biệt, được xây bằng gạch chắc chắn tách rời một khoảng sau Thất. Tổng diện tích mặt bằng của Tu Viện Chơn Như hiện nay gần được 6 mẫu tây, trong đó phần đất lúc Trưởng lão Hòa thượng Thích Thông Lạc về đây lập Tu Viện năm 1971, chỉ có 3 công ta, phần còn lại do một Phật tử mua và cúng dường.