Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh là ai? Tiểu sử và cuộc đời của vị cao tăng lỗi lạc
Quý vị và các bạn thân mến! Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh là một vị cao tăng lỗi lạc không chỉ bởi sự uyên bác, tri thức của mình mà còn bởi tấm lòng từ bi, ngay thẳng, luôn một lòng cống hiến cho sự phát triển và hoằng dương của Phật pháp. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử, cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh là ai?
Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh hiện nay chưa biết rõ thế danh và ngày tháng sinh, bởi Hòa thượng không muốn công khai những thông tin về bản thân trước khi xuất gia của ngài lên mạng xã hội. Chỉ biết rằng ngài sinh vào năm 1944, trong một gia đình nông dân nghèo khó thuộc tỉnh Quảng Trị. Tuy gia đình nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng Cha Mẹ của ngài đều là những người tốt bụng, chăm chỉ, cần cù, luôn yêu thương con cái và hướng thiện, làm nhiều điều tốt giúp đỡ người khác.
Ngay từ thuở nhỏ, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã bộc lộ sự yêu thích Phật pháp và sớm có duyên với chốn cửa Phật. Sau này, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã được Đức Tăng Thống, Trưởng lão Hòa thượng Giới Nghiêm, là Thầy Bổn Sư thế độ và tận tình chỉ dẫn, dìu dắt ngài trên con đường học tập, tu hành và nghiên cứu Phật pháp.
Đến năm 1964, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã bắt đầu xuất gia và được thọ giới Sa di. Đến năm 1965, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh được thọ giới Cụ túc ở chùa Kỳ Viên, là trụ sở của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Thuộc quận 3 của Sài Gòn, nay là số 610, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh không chỉ được đông đảo đại chúng và chư vị Tăng, Ni, Phật tử trên khắp cả nước biết đến, bởi kiến thức uyên thâm mà ngài tích lũy được, trên sự học của bản thân mà còn bởi tài năng, đức độ đối với chúng sanh.
Quá trình tu hành của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh
Dưới đây là quá trình tu hành và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã trải qua và đạt được trên con đường tu tập và nghiên cứu của bản thân:
– Từ năm 1965 đến năm 1971, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã theo học tại trường Đại Học Vạn Hạnh, đồng thời ngài còn nghiên cứu chuyên sâu về các Tông phái Phật giáo, triết học Đông Tây và tư tưởng các Tôn giáo.
– Năm 1972, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh giảng dạy và làm giám học của Trường trung cấp Phật học, tại chùa Phật Bảo, được tọa lạc số 673/3, đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Năm 1973, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã sáng lập chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Thừa Thiên Huế, để hành thiền Vipassana.
– Năm 1976, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh trở thành Tổng thư ký Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, ngài bắt đầu sự nghiệp viết sách để truyền bá Phật pháp đến với đông đảo đại chúng.
– Năm 1982, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh trở thành trụ trì chùa Bửu Long, có địa chỉ tọa lạc tại số 81, đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài xây dựng cơ sở và chuyên đào tạo cho chúng Tăng, Ni tại chùa Bửu Long.
– Năm 1986, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh trở thành trụ trì Kỳ Viên Tự, trụ sở của Trung Ương Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Tọa lạc số 610, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
– Năm 1995, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã giảng cho hàng ngàn Phật tử, Tăng, Ni trên khắp cả nước về, “Thực tại hiện tiền”.
Một số thành tựu mà Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã đạt được
Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh cho đến nay, ngài đã đóng góp rất nhiều thành quả cho nền Phật giáo nước nhà, góp phần thay đổi bộ mặt nền Phật giáo quốc gia. Những đóng góp này không những sẽ tồn tại mãi mãi, mà sẽ luôn được chư Tăng, Ni, Phật tử khắp cả nước biết tới, để học hỏi, phát huy, giữ gìn và lưu lại cho hậu thế. Sau đây là những đóng góp vĩ đại của ngài:
– Năm 1973, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã sáng lập lên chùa Huyền Không, để hành thiền Vipassana, ban đầu chùa được xây dựng tọa lạc tại chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau này, do hoàn cảnh thay đổi nên đến cuối năm 1978, chùa Huyền Không đã được di dời về tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Năm 1998, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh sáng lập ra rừng Thiền Viên Không, để cho chư vị Tăng, Ni, Phật tử trên khắp cả nước có chỗ để hành thiền. Rừng Thiền Viên Không có địa chỉ tại núi Dinh, khu 2, ấp 4, thôn Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
– Từ năm 2002 đến nay, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã đảm trách, điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Thiền Phật Học Nam Truyền, trực thuộc Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
– Năm 2007, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã tham gia vào quá trình xây dựng bảo tháp Gotama, tại ngôi chùa Tổ Bửu Long. Ngài đã lập một trang website có tên là, Trung Tâm Hộ Tông để truyền bá rộng rãi Thiền Vipassana và thực hiện các công tác từ thiện xã hội, khắp các vùng miền trên cả nước.
– Cùng năm 2007, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã bắt đầu giảng dạy nhiều khóa Thiền ở Tổ Đình Bửu Long, tại số 81, đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài còn giảng Thiền cho nhiều hội Phật học, các Tôn giáo bạn, các công ty… Những năm tiếp sau đó, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, tiếp tục giảng dạy thêm nhiều buổi thiền để cung cấp thêm nhiều tri thức cho chúng Tăng, Ni, Phật tử ở Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.
– Năm 2009, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh chính thức mở lớp giảng dạy, ở trong và ngoài nước, để hướng dẫn các khóa Thiền Vipassana cho nhiều Phật tử và những ai quan tâm đến tu hành.
– Từ năm 2009 đến nay, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh đã tiến hành giảng giải Phật pháp ở Úc, Malaysia, Hoa Kỳ, Châu Âu,… Ngài đã nhận được nhiều sự yêu mến, kính trọng của đông đảo Phật tử kiều bào xa xứ, cũng như những người ngoại quốc đang muốn tìm hiểu và quan tâm đến Phật giáo.
Một số tác phẩm nổi tiếng của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh
Dưới đây là một số tác phẩm vô cùng nổi tiếng của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh. Quý vị đọc giả có thể tham khảo để tìm kiếm nhằm hiểu rõ hơn về những triết lý, quan điểm nhân – sinh của ngài về Phật giáo. Nó có thể giúp ích cho quý vị tìm kiếm được những thứ mà quý vị mong muốn, đó là một số tác phẩm sau:
– Vi Tiếu.
– Thơ Tĩnh Lặng.
– Thư Thầy Trò. (Từ tập 1 đến tập 4)
– Bát Nhã Tâm Kinh.
– Thiền Phật Giáo – Nguyên Thủy và Phát Triển.
– Chân Không Diệu Hữu.
– Sống Trong Thực Tại.
– Tư Tưởng Lão Tử Qua Quan Điểm Phật Học.
– Con Đường Hạnh Phúc.
– Thực Tại Hiện Tiền.
– Tuyển tập thư Thầy,…
Một số câu nói nổi tiếng của Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh
- Không phải cố gắng vượt qua những bài học đau khổ để diệt trừ đau khổ, vì như vậy sẽ căng thẳng. Thực ra đau khổ giúp cho con người thấy rõ bản chất thật của nó và thấy rõ đau khổ nó xuất phát từ đâu. Khi con người thấu suốt đau khổ thật sự là gì, thì đau vẫn có thể còn nhưng khổ sẽ không còn nữa. Khổ chỉ là thái độ tâm lý của bản ngã mà thôi.
- Không phải bận tâm sẽ đi về đâu mà cần phải biết rõ đường đi ngay dưới chân mình.
- Tu không để hết khổ. Hết khổ lấy gì tu. Thấy khổ tâm không động. Mới chính là công phu.
- Ai cũng có nỗi khổ riêng, nên sớm bớt dầu bớt củi thì lửa sẽ tắt.
Ai chịu thua người ấy thắng, vì thắng chính mình mới là chiến thắng cao đẹp nhất. Người nào chịu được thiệt thòi trên đời, người ấy sẽ sớm được giải thoát.
- Ít ai thực sự biết rõ mục đích của mình là đúng hay sai nên luôn phân vân do dự, mà biểu hiện là khi thì nỗ lực, lúc lại nản lòng, tất nhiên thôi!
Nếu mục đích không phải ở cuối con đường, mà chính là con đường thì mọi rắc rối trên sẽ không tồn tại.
- Chọn lựa gì không quan trọng, mà qua chọn lựa đó học được gì để phát huy trí tuệ và đạo đức mới là thiết yếu. Đúng sai, tốt xấu gì thì cũng giúp con thấy ra sự thật. Tại sao phải lo lắng, sợ hãi? Là do con quá cầu toàn thôi. Sống bằng lý trí nhiều quá hay sinh ra phân vân do dự. Con cứ sống, làm việc tự nhiên và nhiệt tình, chỉ cần sáng suốt biết mình là được.
- Vẻ đẹp của cuộc sống không chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con mới thanh tịnh.
- Pháp vốn tự hoàn hảo. Trong chính sự bất toàn. Khi thấy pháp như thị. Thoát khỏi mọi cực đoan.