Đạo Phật

Tiểu sử cuộc đời của Đức Giáo Chủ Phật Thích Ca Mâu Ni

5/5 - (13 bình chọn)

Quý vị và các bạn thân mến! Hiện nay, có gần 2 tỷ tín đồ, Phật tử trên toàn thế giới, trong số đó vẫn còn rất nhiều người thường đặt ra câu hỏi, Đức Phật Thích Ca là ai? Ngài được sinh ra ở đâu? Ngài có vợ con không? Trước khi thành Phật, ngài có phải là một con người thật sống tại nhân gian này không? Vâng, đó là những câu hỏi của rất nhiều tín đồ, Phật tử đã và đang tu tập, ngày đêm tha thiết đọc tụng kinh sách, tìm hiểu nghiên cứu về giáo lý căn bản của Đức Phật. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị và các bạn tìm hiểu rõ hơn về, tiểu sử cuộc đời Đức Giáo Chủ Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi đản sinh đến ngày trưởng thành, ngài xuất gia tu hành, giác ngộ, độ chúng rồi nhập Niết Bàn, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.


Xem Video Trên YouTube

Tóm tắt về Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi hạ phàm, ngài đã trải qua tu hành từ rất nhiều kiếp trước đó, ngài chứng đắc quả vị Bồ-Tát và có Pháp hiệu là Hộ Minh, an trú trên cung trời Đâu-Suất. Bồ-Tát Hộ Minh hạ phàm xuống một Vương Quốc nhỏ Ca-Tỳ-La-Vệ, nằm cạnh dãy Hy Mã Lạp Sơn, miền trung Ấn Độ, ngày nay là nước Nepal, theo lời thỉnh cầu của ngài Đại Phạm Thiên và Tứ Đại Thiên Vương.

Vào một hôm, lễ hội Tinh Tú được tổ chức long trọng trong thành Ca-Tỳ-La-Vệ, Vua Tịnh Phạn-Đầu-Đà-Na cùng Hoàng hậu Ma-Da, sau khi vào trong cung điện lễ dâng hương hoa xong, nhà Vua cùng Hoàng Hậu và đoàn tùy tòng đã ra ngoài Thành để ban phát thức ăn, y phục cho chúng dân nghèo khổ.

Khi trở về, Hoàng hậu Ma-Da đêm hôm ấy nằm mộng, thấy một con bạch tượng 6 ngà, từ trên không trung bay xuống, mang theo một cành hoa sen rồi thả vào bụng của bà.

Sau đó, Hoàng Hậu Ma-Da đã kể lại giấc mộng cho Vua Tịnh Phạn nghe, lấy làm lạ nhà Vua đã cho mời các nhà Tiên tri tới Hoàng cung để giải mộng. Các nhà Tiên tri vừa nghe kể xong đã tâu, chúc mừng Quốc Vương, đó là điềm lành, Hoàng Hậu Ma-Da sẽ sớm sinh một quý tử tài đức song toàn, khôi ngô tuấn tú.

Thấy vậy, Quốc Vương Tịnh Phạn rất vui mừng và thầm nghĩ, từ nay, ta đã có Thái Tử để truyền ngôi. Theo tục lệ cổ xưa tại vùng Ấn Độ, phụ nữ trước khi sinh sẽ được về bên nhà ngoại để Cha Mẹ đẻ tiện bề chăm sóc con gái trong những ngày lâm bồn.

Trên đường Hoàng Hậu Ma-Da cùng đoàn thị nữ, gia nhân về quê ngoại, lúc này trời vừa rạng đông, Hoàng Hậu Ma-Da đã ghé thăm vườn Lâm-Tì-Ni. Bất chợt, Hoàng Hậu trông thấy một cành hoa vô ưu mới nở, tỏa ngát hương thơm nên bà đã lại gần rồi đưa tay lên hái, ngay sau đó Hoàng Hậu đã chuyển dạ và hạ sanh Thái Tử. Hôm đó là ngày rằm tháng tư, năm 624, trước Công Nguyên.

Khi Thái Tử vừa sanh ra, đã bước đi liền đi 7 bước, dưới mỗi bước chân Thái tử đi đã nở ra một đóa sen nâng đỡ gót chân ngài, rồi Thái Tử dừng lại đưa một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói rằng.

Thiên Thượng Thiên Hạ.

Duy Ngã Độc Tôn.

Vô Lượng Sinh Tử.

Ư Kim Tận Hỷ.

(Ý nghĩa câu nói của Thái Tử là).

Trên Trời Dưới Trời.

Ta Là Người Duy Nhất.

Kiếp Này Là Kiếp Cuối Cùng Của Ta.

Vì Không Còn Sinh Tử Nữa.

Ngày đản sinh Thái Tử, trong thành Ca-Tỳ-La-Vệ khắp nơi đều hoan hỉ, trăm hoa khoe sắc, chim hót không ngừng, bầu trời trong sáng khác thường. Quốc Vương Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết, ngài truyền mời các vị Tiên tri vào cung xem tướng cho Thái Tử. Trong đó có vị Đạo sĩ nổi tiếng tu ở núi Tuyết Sơn, ngài tên là A Tư Đà.

Đạo sĩ nghe tin Thái Tử giáng sinh nên ngài đã hạ sơn đến viếng thăm, diện kiến thánh nhan của Thái Tử, Đạo sĩ A Tư Đà nhìn ngắm Thái Tử có đủ 32 tướng tốt, ngài vừa vui mừng rồi lại than khóc. Ngài vui vì bậc Đại Giác Vô Thượng đã xuất thế, nhưng ngài khóc vì bản thân mình đã quá già, không còn cơ hội để được nghe chánh pháp, từ kim khẩu của bậc Đại Giác Vô Thượng Chí Tôn.

Nghe vị Đạo sĩ A Tư Đà nói Thái Tử là người như vậy, Quốc Vương Tịnh Phạn cảm thấy rất không vui, vì ngài chỉ muốn Thái Tử là một người tài đức để kế nghiệp Quốc Vương của mình. Vì thế, Vua Tịnh Phạn đã cố tình đặt tên cho Thái Tử là Tất-Đạt-Đa, để cải đổi số mệnh cho Thái Tử, tên Tất-Đạt-Đa có nghĩa tiếng Phạn là người giữ chức vị Quốc Vương.

Hoàng Hậu Ma-Da đã hoàn thành hạnh nguyện của bà, khi sinh ra Thái Tử chỉ sau 7 ngày, bà đã qua đời và hóa sinh ngay về cõi Trời Đâu Suất. Sau đó, Quốc Vương Tịnh Phạn đã giao Thái Tử Tất-Đạt-Đa cho nàng Ma-Ha-Bà-Xà-Ba, là em gái ruột của Hoàng Hậu Ma-Da nuôi dưỡng Thái Tử cho đến khi trưởng thành.

Thời niên thiếu và ngày thành gia lập thất của Thái Tử Tất-Đạt-Đa

Năm Thái Tử Tất-Đạt-Đa lên 7 tuổi, Vua Tịnh Phạn đã cho tìm mời các Thầy giỏi nhất trong Vương Quốc, để chỉ dạy cho Thái Tử. Vốn tư chất thông minh học 1 hiểu 10, năm Thái Tử được 13 tuổi ngài đã thông thuộc làu làu văn võ, lý luận học, y học và Đạo học, riêng về võ học thì ít người dám sánh tài cùng Thái Tử.

Vào một ngày mùa xuân trong buổi lễ Hạ điền, khi mọi người mải mê vui chơi tham dự lễ, nhưng Thái Tử an nhiên ngồi thiền định dưới một gốc cây đại thụ. Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và nhận thấy, cõi đời không phải là an vui như khi chúng ta mới nhìn vào. Bởi vì, những người nông phu kia phải lao động rất vất vả, những con trâu, con bò phải kéo cày kéo xe rất là cực nhọc. Những người thợ săn vào rừng săn bắn mà không biết rằng, chính mình cũng đang bị mãnh thú rình rập, đoạt mạng bất cứ lúc nào. Thái Tử đã nhận thấy, tất cả muôn loài đều vì cuộc sống mưu sinh, mà đã dùng mọi thủ đoạn để tương tàn lẫn nhau.

Vào một ngày khác, Thái Tử Tất-Đạt-Đa tấu xin Vua Cha, cho phép ngài ra bốn cửa Thành đi dạo. Thái Tử ra Thành cửa Đông, thì gặp một cụ già đầu râu tóc bạc, mắt mờ răng rụng, tai điếc lưng còng, tay thì chống gậy đi lại rất là khó nhọc. Đến Thành cửa Nam, Thái Tử trông thấy một người mắc bệnh trọng, rên la than khóc, đau đớn vô cùng. Đến Thành cửa Tây, Thái Tử lại thấy một người đã mất từ lâu, nằm ngay bên đường mà không được chôn cất. Đến Thành cửa Bắc, Thái Tử gặp được một vị Tu sĩ, hảo tướng trang nghiêm, ngài đến lại gần chào và hỏi vị Tu sĩ, tại sao lại phải tu, có được lợi ích gì chăng? Vị Tu sĩ điềm tĩnh trả lời, tôi tu hành là để cầu giải thoát, cầu được chánh đẳng chánh giác để phổ độ chúng sanh.

Sau khi trở về Hoàng cung, Thái Tử ngẫm lại cảnh khổ, lão, bệnh, tử, mình đã tận mắt chứng kiến mà thấy sót thương cho nhân thế. Rồi ngài lại nghĩ tới câu trả lời của vị Tu sĩ kia nên ngài rất hoan hỷ, như đã được khai thị những điều mà ngài đã đi tìm bấy lâu. Trong thời gian đó, Thái Tử Tất-Đạt-Đa cứ buồn rầu cả ngày, thấy vậy Quốc Vương Tịnh Phạn đã cho người xây một cung điện nguy nga tráng lệ, bày tiệc múa hát, đàn ca cho Thái Tử vui. Năm Thái Tử tròn 16 tuổi, Vua Cha đã chọn nàng công chúa Da-Du-Đà-La tuyệt sắc giai nhân để cưới vợ cho Thái Tử.

Thái tử Tất-Đạt-Đa sau khi kết hôn cùng Công chúa Da-Du-Đà-La, hai người đã sinh được một nam bào nhi và đặt tên là La-Hầu-La. Vợ chồng Thái Tử cùng con sống hạnh phúc bên nhau 13 năm, thì Thái Tử cảm thấy nhàm chán cuộc sống hưởng thụ, xa hoa nên ngài đã quyết chí xuất gia.

Sơ lược quá trình xuất gia của Thái Tử Tất-Đạt-Đa

Quyết tâm rời xa Hoàng cung để tìm đường giác ngộ, nên Thái Tử đã diện kiến tấu xin Phụ Vương chấp thuận cho ngài xuất gia, nhưng đã bị Vua Tịnh Phạn từ chối. Không còn cách nào khác, nên Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã đưa ra bốn điều và yêu cầu Phụ Vương thực hiện, nếu Vua Cha làm được bốn điều này thì con sẽ ở lại không đi xuất gia nữa.

Bốn điều đó là:

1 – Là làm sao con trẻ mãi không già?

2 – Là làm sao con sống hoài không chết?

3 – Làm sao con mạnh khỏe mãi không đau?

4 – Làm sao cho mọi người hết khổ?

Bốn điều này làm cho Quốc Vương Tịnh Phạn bối rối, không có cách nào thực hiện được, nhà Vua càng thêm lo sợ và tìm đủ mọi cách để ngăn cản Thái Tử xuất gia. Rồi việc gì đến ắt phải đến, vì lòng Thái Tử đã quyết thì không ai có thể ngăn cản được ngài.

Hôm đó, khi đã đêm khuya thanh vắng, sau buổi đại tiệc linh đình của hoàng cung chu tất, mọi người cũng đã chìm trong giấc ngủ say nồng. Thái Tử vội vàng đánh thức hầu cận Xa-Nặc, dậy dắt theo chú ngựa Kiền Trắc rồi lặng lẽ ra đi. Trước khi xuất cung, Thái Tử Tất-Đạt-Đa đi dọc hành lang nội cung, rồi đến trước cửa phòng Công Chúa Da-Du-Đà-La, để nhìn tạm biệt vợ con lần cuối. Trong thâm tâm ngài thầm vỗ về, an ủi: Hỡi nàng Da-Du-Đà-La, hỡi bào nhi La-Hầu-La bé bỏng của ta, cùng thân quyến hoàng tộc yêu quý, mọi người hãy cố nén đau thương. Ta sẽ trở về khi ta tìm thấy chân lý giác ngộ.

Thái tử cùng hầu cận Xa-Nặc cưỡi trên lưng ngựa Kiền-Trắc băng rừng trong đêm tối.

Khi đến bên bờ sông Anoma, Thái Tử Tất-Đạt-Đa dùng kiếm tự tay cắt tóc của mình rồi cởi bỏ Hoàng bào, trang sức trao lại cho hầu cận Xa-Nặc cưỡi ngựa đem về Hoàng cung báo lại Phụ Vương. Thái Tử cứ thế một mình hướng về dãy Hy-Mã-Lạp Sơn, quyết chí tu hành tìm ra chân lý giải thoát, giác ngộ để cứu độ chúng sanh, hôm đó là ngày 8/2/595, trước Công Nguyên, khi này Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã 29 tuổi.

Quá trình tu hành cầu đạo của Thái Tử Tất-Đạt-Đa

Ban đầu, Thái Tử tìm đến thọ giáo hai vị Đạo Sư danh tiếng nhất vùng Ấn Độ tu theo thiền phái Du-Già. Ngài A-La-Ra Ka-La-Ma chứng đắc cấp thiền, Vô Sở Hữu Xứ, còn ngài Ud-Da-Ka Ra-Ma-Put-Ta chứng đắc cấp thiền, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Chỉ một thời gian ngắn, Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã chứng đắc hai cấp thiền này.

Thái Tử nhận thấy thiền phái Du-Già này chưa có gì là cao siêu lắm, nên ngài tiếp tục đi tìm phương pháp tu khác. Lần này, Thái Tử tìm đến Uruvela, một ngôi làng nhỏ có vườn Lộc Uyển thanh tịnh, phong cảnh tĩnh lặng, rất hợp với Thiền định và hằng ngày có thể đi khất thực. Tại đây, Thái Tử Tất-Đạt-Đa chọn phương pháp tu khổ hạnh cùng với năm anh em ông Kiều Trần Như, ông Ác Bê, ông Thập Lực, ông Ma Ha Nam và ông Bạc Đề. Cả năm ông đều rất tôn kính Thái Tử, giống như tôn kính một vị Đạo sư của họ.

Sáu năm tu theo phương pháp khổ hạnh, Thái Tử thân hình tiều tụy, chỉ còn da bọc xương mà Đạo vẫn chưa khai ngộ. Một hôm vì quá kiệt sức nên ngài đã ngã quỵ, thiếp đi bên bờ sông Ni Liên, khi ngài tỉnh dậy đã ngộ ra rằng, căn nguyên của đau khổ không phải đến từ bên ngoài, mà chính là những dục vọng có từ trong tâm. Thái Tử từ bỏ lối tu khổ hạnh, để thực hành phương pháp tu mới được gọi là con đường Trung đạo.

Thái Tử dùng  Giới, Định, Tuệ để diệt trừ tận gốc những ô nhiễm ở trong tâm thức, và sau đó là trừ diệt hết những căn bản bất thiện, tức là ly dục và ly bất thiện pháp. Năm anh em ông Kiều trần Như, thấy Thái Tử chuyển phương pháp tu mới, nên đã từ bỏ ngài và nói Thái Tử là người bỏ cuộc giữa chừng. Ngài ngộ ra rằng, sức mạnh trong bản thân là điều cần thiết nhất để Thiền định, nên Thái Tử đã xuống sông tắm gội thanh tịnh rồi bắt đầu trì khai khất thực.

Sau khi Thái Tử Tất-Đạt-Đa thọ dụng bát sữa của cô thôn nữ Su-Ja-Ta dâng cúng, Thái Tử thọ dụng bát sữa xong thì thấy tinh thần minh mẫn, sức khỏe dần dần hồi phục. Sau đó Thái Tử liền phát nguyện rằng, nếu ta có thể là người chứng đắc Phật quả, khi ta ném cái bát này xuống sông, bát sẽ nổi lên và trôi ngược dòng. Thái Tử vừa dứt lời thì ngài liền ném cái bát xuống sông Ni Liên, quả thật cái bát đã nổi lên và trôi ngược dòng sông.

Thái Tử Tất-Đạt-Đa chứng đắc Tam Minh giác ngộ thành Phật

Thái Tử Tất-Đạt-Đa ngồi kết già nhập định, dưới gốc đại thụ Bồ-Đề suốt trong 49 ngày liên tục. Trong lúc Thiền định ngài luôn chiến đấu với bọn Ma-Vương đó là; Phiền não ma, Chư thiên ma, Ngũ uẩn ma, Tứ diệt ma và Pháp hành ma. Càng gần ngày Thái Tử thành Đạo thì Ma-Vương lại càng phá rối ngài nhiều hơn, chúng dùng mọi thủ đoạn để khiến ngài phân tâm nhưng cuối cùng chúng đều thất bại và phải rút lui.

Trong suốt thời gian 49 ngày Thái Tử Tất-Đạt-Đa nhập định dưới cội Bồ đề. Mỗi khi trời nổi dông mưa, đều được đại mãng xà dùng thân và đầu bành rộng ra để che chắn cho Thái Tử.

Đêm của ngày thứ 49, nhờ năng lực an trụ của Thiền định, ngài cảm nhận thấy trong tâm hồn thư thái, sáng suốt lạ thường, tâm ngài vẳng lặng an định trong sáng như pha lê, rồi ngài lần lượt chứng đắc Tam Minh.

Thứ nhất – Túc Mệnh Minh:

Đúng lúc canh hai, Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã chứng đắc Túc Mệnh Minh, lúc đó ngài thấy rõ ràng tất cả quãng đời quá khứ của bản thân mình ở trong Tam giới. Ngài thấy được những kiếp trước mình có tên như thế này, sống ở cõi nước này, cứ như thế có vô lượng số kiếp được khai mở trước sự quan sát của ngài rất là tường tận.

Thứ hai – Thiên Nhãn Minh:

Sang đến canh ba, Thái Tử Tất-Đạt-Đa tiếp tục chứng đắc Thiên Nhãn Minh, khi này ngài thấy rõ việc sinh và tử của chúng sinh, đều dựa trên nghiệp thiện hay bất thiện của chính họ tạo ra. Những tương quan trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã trở nên rất rõ ràng, ngài thấy được con người khi chết không phải là hết, mà họ phải theo nghiệp báo của chính họ, để thọ sanh vào cảnh giới tương ứng trong Lục đạo – Luân hồi.

Thứ ba – Lậu Tận Minh:

Vừa tới canh tư, Thái Tử Tất-Đạt-Đa chứng đắc Lậu Tận Minh, ngài thấy rõ nguyên nhân nào khiến cho chúng sinh mắc vào sinh tử, và phương cách nào để chấm dứt sinh tử, trầm luân trong Lục đạo – Luân hồi. Còn sinh tử là còn khổ đau, chúng ta muốn tận diệt khổ đau thì chúng ta phải tu tập, buông bỏ chấp ngã, tham, sân, si của bản thân để đến được cảnh giới Niết Bàn, như vậy chúng ta sẽ thoát khỏi sinh tử trong Lục đạo – Luân hồi.

Khi ban mai vừa ló rạng, Thái Tử Tất-Đạt-Đa chứng đắc Tam Minh, Tứ Thiền, giác ngộ chân lý; khổ, tập, diệt, đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Vô Thượng Bồ-Đề, ngài chính thức thành Phật, lấy pháp hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hôm đó là ngày 8/12/589, trước Công Nguyên, khi này ngài 35 tuổi.

Đức Phật Tích Ca thu nạp đệ tử, thuyết pháp độ chúng rồi nhập diệt Niết Bàn

Khi chứng đắc thành Phật, toàn thân ngài tỏa ra ánh hào quang sáng chói. Theo lời cầu thỉnh của ngài Phạm Thiên, vì lợi ích cho Tam Giới Chư Thiên và nhân loại, Đức Phật quyết định rời cội đại thụ Bồ-Đề để lên đường độ chúng.

Trước tiên, Đức Phật quay lại Lộc Uyển tìm gặp năm anh em ông Kiều Trần Như, là những bạn đồng tu khổ hạnh trước kia để thuyết pháp. Ngài thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế, khai thị cho năm anh em ông Kiều Trần Như không lâu, thì cả năm vị đều được chứng đắc quả A-La-Hán, và đây chính là 5 vị đệ tử đầu tiên được Đức Phật thu nạp.

Ngày 15/5/588, trước Công Nguyên, Đức Phật đã truyền giới cho 1.250 vị Thiện Lai Tỳ Kheo, rồi ngài dạy rằng.

Không làm các điều ác.

Hãy làm các điều lành.

Giữ tâm ý trong sạch.

Đó là lời Phật dạy.

Sau khi chứng đắc Phật quả, ngài đi thuyết pháp độ chúng khắp nơi, nhưng luôn nhớ đến Phụ Vương và hoàng thân quốc thích. Sau một thời gian không lâu, Đức Phật cùng chúng đệ tử trở về thành Ca Tỳ La Vệ, thuyết pháp độ hoàng thân. Cả hoàng tộc đón ngài trong niềm hân hoan mong đợi.

Giọt nước mắt vỡ òa sau quãng thời gian xa vắng, Công Chúa Da-Du-Đà-La đón Đức Phật trở về trong nỗi vui mừng khôn xiết. Công Chúa hãnh diện biết bao nhiêu khi phu quân của mình trước đây, giờ đã là một vị Phật tôn kính và được muôn người quy ngưỡng. Sau đó, Đức Phật thuyết pháp độ cho Công Chúa Da-Du-Đà-La, nàng đã trở thành một trong những vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên của Phật giáo.

Công Chúa Da-Du-Đà-La muốn con trai mình xuất gia theo Phật tu tập. Nàng bảo La-Hầu-La xuất gia tu hành, để được những công đức, phẩm giá cao quý nhất cuộc đời. Đức Phật đã chấp thuận, cho La Hầu La nhận Tôn giả Xá Lợi Phất làm thầy, cho gia nhập Tăng đoàn và trở thành vị Sa di đầu tiên của Phật giáo.

Ngày Nan-Đà thành hôn, Đức Phật đến thọ trai, ngài trao bình bát cho hoàng đệ rồi đứng dậy ra về. Nan-Đà ôm bình bát theo Đức Phật về Tịnh xá. Về đến nơi, Đức Phật khuyên hoàng đệ xuất gia, ngài Nan-Đà không muốn xuất gia nên đã miễn cưỡng nhận lời. Sau đó, Đức Phật đã dùng thần thông đưa Nan-Đà lên các cõi trời, rồi lại xuống các cảnh giới địa ngục. Nan-Đà được tận mắt chứng kiến những cảnh giới của quả nghiệp như vậy, nên mới xuất gia nỗ lực tu tập, sau đó ngài chứng đắc quả vị A La Hán.

Quốc Vương Tịnh Phạn được Đức Phật về thăm và giảng pháp cho nghe ngay trên giường bệnh, sau 7 ngày tận hưởng pháp lạc do chứng đắc quả A La Hán, Vua Tịnh Phạn đã băng hà trong định tĩnh, Đức Phật nhắc nhở hàng đệ tử về tấm gương hiếu hạnh.

Vào mùa an cư thứ 7, Đức Phật ngài ngự lên cung trời Đao Lợi, để thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho Hoàng hậu Ma-da, Mẫu Hậu của ngài chính là một vị Thiên tử ở cõi trời Đâu Suất Tu-Si-Ta. Trong suốt 3 tháng, (tính theo lịch dưới nhân gian), sau khi nghe xong thời pháp, Mẫu Hậu của ngài đã chứng đắc Thánh quả Tu-Đà-Hườn.

Đức Phật từ cung trời Đao Lợi trở về nhân gian, chư Thiên hòa tấu nhạc trời đưa tiễn Ngài rất đông; hàng đệ tử xuất gia và tại gia cũng vui mừng nghênh đón ngài trở về.

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, ngài đã đến khắp mọi nơi và chưa từng nề hà những khó khăn trở ngại, để hoằng dương Phật pháp. Đức Phật gieo hạt giống Từ Bi khắp nơi trên lãnh thổ Ấn Độ, bất kể là người giàu sang hay nghèo hèn, là Vua Chúa hay thứ dân, dù già cả hay còn thơ ấu, đều được tắm gội Phật pháp Từ Bi do ngài tưới xuống.

Sau khi Đức Phật thọ trai tại nhà ông Thuần Đà, Đức Phật trở về Câu-Thi-Na và nói với A Nan, Đạo của ta nay đã viên mãn, nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp rộng khắp sang các Vương Quốc khác. Bây giờ ta có thể rời xa các ngươi, tấm thân ta theo quy luật Vô thường, như một cỗ xe đã đến ngày hư hoại, ta đã mượn nó chở pháp trong những năm qua, giờ hạnh nguyện của ta đã thành, ta không còn mến tiếc gì nữa. Này A Nan, trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn, ngài hãy thông báo cho tất cả các đệ tử, Tăng đoàn cùng đại chúng mau về nghe pháp và hãy nhớ rằng, đây là bài thuyết pháp cuối cùng của ta.

Sau 45 năm Đức Phật thuyết pháp độ sanh, nhằm ngày rằm tháng 2/544, trước Công Nguyên, giữa hai cây Sa-La tại rừng Câu-Thi-Na, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài đã chính thức nhập diệt đại Niết Bàn, ngài đã trụ tại thế tròn 80 năm.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *