Bồ Tát Thích Quảng Đức
Đạo Phật

Tiểu sử Bồ Tát Thích Quảng Đức quyết hy sinh thân mình vì Phật pháp

5/5 - (10 bình chọn)

Quý vị thiện hữu kính mến! Ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức là một vị Cao tăng từ bi đức độ của Việt Nam. Chỉ vì một chính sách kỳ thị Phật giáo vô lý của chính quyền Ngô Đình Diệm, từ năm 1955 đến năm 1963, nên ngài Thích Quảng Đức quyết hy sinh bản thân để đòi quyền Bình Đẳng Tôn Giáo. Ngài lấy thân mình thắp lên ngọn đuốc thiêng, để soi sáng cho nền Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt. Qua bài viết này, Tôn Giáo Tín Ngưỡng sẽ giúp quý vị thiện hữu tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử bản thân, quá trình tu hành và vì sao ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức lại quyết hy sinh bản thân để bảo vệ chánh pháp, thông qua nội dung chi tiết trong bài viết sau đây.

Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ Tát Thích Quảng Đức

Tóm tắt tiểu sử và quá trình tu hành của ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Bồ Tát Thích Quảng Đức có tên thế danh là Lâm Văn Tuất, pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp, pháp hiệu là Quảng Đức, nối pháp đời thứ 42 của dòng thiền tông Lâm Tế, là thế hệ thứ 9 của phái Chúc Thánh. Ngài Thích Quảng Đức sinh vào năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, thuộc miền Trung nước Việt Nam. Ngài Thích Quảng Đức được sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em, cha của ngài là cụ ông Lâm Hữu Ứng, mẹ của ngài là cụ bà Nguyễn Thị Nương.

Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ Tát Thích Quảng Đức

Năm 1904, khi ngài Thích Quảng Đức lên 7 tuổi, ngài đã xin xuất gia tu học với Hoà thượng Thích Hoằng Thâm. Hòa thượng Thích Hoằng Thâm là thầy bổn sư và cũng là người cậu ruột của ngài Thích Quảng Đức. Sau đó, Hòa thượng Hoằng Thâm nhận ngài Thích Quảng Đức làm con chính thức, nên đã cải họ tên thế danh của ngài là Nguyễn Văn Khiết.

Năm 1912, ngài Thích Quảng Đức được thọ giới Sa di khi ngài vừa tròn 15 tuổi.

Năm 1917, ngài Thích Quảng Đức chính thức được thọ giới Tỳ kheo. Sau khi thọ giới, ngài Thích Quảng Đức tìm đến ngọn núi Đất, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ngài Thích Quảng Đức đã phát nguyện tịnh tu 3 năm liền và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Cũng tại ngọn núi Đất, sau này ngài Thích Quảng Đức đã quay trở lại và khởi dựng lên một ngôi chùa lấy tên hiệu là Thiên Lộc. Sau 3 năm tịnh tu, ngài Thích Quảng Đức quyết định xuống núi để bắt đầu công cuộc hoằng dương Phật pháp. Vừa xuống núi thì ngài Thích Quảng Đức đã thực hành pháp tu theo pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây, để gieo duyên lành với chúng sanh, trong suốt hai năm ròng rã. Sau khi gieo duyên lành mãn nguyện, ngài Thích Quảng Đức quay trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Ân, tọa lạc tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1932, khi này Hội An Nam Phật học chính thức thành lập, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đã tìm đến chùa Sắc Tứ Thiên Ân, nơi ngài Thích Quảng Đức đang nhập thất. Đại lão Hòa thượng Hải Đức tới thăm hỏi trao đổi về Phật pháp và mời ngài Thích Quảng Đức về làm Chứng minh Đạo sư, cho Chi hội Phật giáo thị xã Ninh Hòa trong suốt 3 năm. Sau đó, ngài Thích Quảng Đức nhận nhiệm vụ làm chức Kiểm Tăng tại thị xã Ninh Hòa, rồi tiếp tục làm chức Kiểm Tăng của cả tỉnh Khánh Hòa.

Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ Tát Thích Quảng Đức

Trong suốt thời gian ngài Thích Quảng Đức hoằng pháp tại các tỉnh miền Trung, ngài đã kiến tạo mới và trùng tu tôn tạo được tất cả 14 ngôi chùa.

Năm 1934, ngài Thích Quảng Đức rời Khánh Hòa vào miền Nam để tiếp tục sứ mệnh bảo vệ và hoằng dương chánh pháp, ngài đã đi khắp các tỉnh miền Nam để giáo hóa và gieo duyên lành với tất cả chúng sinh. Ngài Thích Quảng Đức cũng từng sang Campuchia 2 năm, để nghiên cứu và học hỏi kinh điển Phật pháp theo truyền thống Theravada.

Trong suốt 20 năm hành đạo ở miền Nam, nước Việt Nam, ngài Thích Quảng Đức đã khai sơn và trùng tu tôn tạo được 17 ngôi chùa.

Như vậy, ngài Thích Quảng Đức đã có công xây dựng mới và trùng tu tôn tạo tất cả 31 ngôi chùa, trải dài từ miền Trung tới miền Nam nước Việt Nam. Năm 1959, ngài Thích Quảng Đức được ông Lý Văn Lang, thỉnh ngài về làm trụ trì chùa Quán Thế Âm, chùa này được nhóm lính Đông Dương góp tiền mua đất khởi dựng vào năm 1918, tọa lạc tại số 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định. Hiện nay đổi thành số 90, đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là ngôi chùa cuối cùng trong cuộc đời tu hành của ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức về làm trụ trì.

Ngài Thích Quảng Đức cũng đã từng giữ chức vụ, Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo Hội Tăng già Nam Việt, trong một thời gian dài. Trước đó, theo như nguyện vọng thỉnh cầu của Ban Trị sự, ngài Thích Quảng Đức đã nhận thêm nhiệm vụ làm trụ trì chùa Phước Hòa, đây chính là trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Sau khi trụ sở này di dời về chùa Xá Lợi, hiện nay toạ lạc tại số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài Thích Quảng Đức đã xin thôi giữ chức trụ trì, để có nhiều thời gian dành cho việc an tâm tu hành.

Những bất bình và quyết hy sinh bản thân vì đạo Phật của ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Sự bất bình của đông đảo Phật tử bắt đầu nổ ra, vào đầu tháng 5/1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành lệnh cấm treo cờ Tôn giáo nơi công cộng, và bắt Phật tử phải theo đạo Công giáo, trước Đại lễ Phật Đản 2 ngày.

Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ Tát Thích Quảng Đức

Đến ngày 7/5/1963, tại Huế, trước sự phản đối của đông đảo Tăng ni Phật tử, Tỉnh trưởng Huế đã đồng ý cho phép chùa chiền treo cờ và đèn Phật giáo, nhưng Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Miền Trung Việt Nam nhận định, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không chịu từ bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo, nên Tăng ni Phật tử vẫn tiếp tục hành động đối phó chính quyền. Sau đó, sang ngày 8/5, đông đảo Tăng ni Phật tử đã tụ tập và diễu cờ Phật giáo, nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 1963, tại đài phát thanh Huế và kéo theo đó là một vụ xung đột quyết liệt.

Phản ứng lại vụ xung đột, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chối bỏ trách nhiệm của chính quyền về thương vong, và quy chụp trách nhiệm cho Việt Cộng gây ra, khiến cho sự phản kháng càng thêm dữ dội. Các lãnh đạo Phật giáo đưa ra bản yêu sách gồm các điểm như sau:

Thứ nhất: Chính phủ bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo.

Thứ hai: Phật giáo được tự do hành đạo như Công giáo.

Thứ ba: Xem xét lại dụ số 10 để không coi Tôn giáo như một hiệp hội.

Thứ tư: Chấm dứt khủng bố đàn áp Phật giáo.

Thứ năm: Bồi thường cho các nạn nhân vụ đài phát thanh Huế và trừng trị kẻ chủ mưu.

Đến ngày 11/6/1963, tức ngày 20 tháng Tư nhuận, năm Quý Mão, ( âm lịch ). Bồ Tát Thích Quảng Đức xuất hiện trong một đám diễu hành, bắt đầu xuất phát từ một ngôi chùa có khoảng 350 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni. Dẫn đầu là một chiếc ô tô Austin Westminster, tiếp theo sau là chư vị Tăng ni chia thành hai bên tả hữu, giương cao khẩu hiệu được viết bằng cả hai ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Họ lên án phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, vì một chính sách kỳ thị Phật giáo và đòi quyền Bình Đẳng Tôn Giáo. Ngài Thích Quảng Đức đã lấy thân mình để làm ngọn đuốc thần soi sáng chánh pháp cho nền Phật giáo của Việt Nam. Còn cái thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm, được kết thành bởi tứ đại giai không, trước sau rồi cũng sẽ bị tan hoại. Ngài Thích Quảng Đức biết rõ điều đó, nên ngài đã quyết định thực hành nguyện ước là tự hóa thân để cúng dường Phật pháp. Và cũng lấy gương sáng đó của ngài, để làm động cơ thúc đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm, nhanh chóng giải quyết năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam, và giải tỏa cho ba ngôi chùa lớn ở Huế đang bị chính quyền vây khốn.

Và đây là lời vàng ngọc cuối cùng của ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức, trước khi giác linh của ngài theo ngọn lửa thiêng về với cõi Phật:

Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ Tát Thích Quảng Đức

Tôi, pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Âm Phú Nhuận ( Gia Định ). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai. Không lẽ tôi cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện hóa thân giả tạm này để cúng dường chư Phật, để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn trên mười phương chư Phật, chư Đại đức, chư Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Thứ nhất: Mong Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam, đã được ghi trong bản tuyên ngôn.

Thứ hai: Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.

Thứ ba: Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

Thứ tư: Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về với cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời này cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng Tôn giáo, để giữ vững nước nhà muôn thuở. Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại đức Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Lời thệ nguyện vừa dứt, ngài Thích Quảng Đức ngồi kiết già ở giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và đường Lê Văn Duyệt, hiện nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách Mạng Tháng Tám. Ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức chắp tay tĩnh tọa, rồi an nhiên tự tại hóa thân về với cảnh Phật.

Dù ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức đã về cõi Niết bàn, nhưng hình ảnh sáng ngời của ngài vẫn khắc ghi sâu đậm trong trái tim của hàng vạn Tăng ni, Phật tử và hàng triệu con người Việt Nam. Sự hy sinh vô cùng cao quý của ngài đã gây chấn động mạnh với nền Phật giáo quốc tế, và là một tấm gương sáng cho đông đảo tín đồ Phật tử trên khắp thế giới noi theo.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *